(GLO)- Không chỉ là danh thắng ướp đầy hương huyền thoại, “đôi mắt Pleiku” còn cho nguồn lợi thủy sản nước ngọt đáng kể. Vì vậy, câu cá ở Biển Hồ đã trở thành thú tiêu dao thu hút nhiều cần thủ không chỉ là cư dân quanh vùng.
Ngày hè, đi dọc con đường ngợp bóng thông xanh dẫn về lầu bát giác, khung cảnh đủ sức níu chân du khách xa gần bởi trời nước mênh mông xanh thẳm, xanh lơ, xanh phớt hồng, xanh sậm, xanh nẫu biến ảo theo từng thời khắc trong ngày. Mây trôi lồng bóng nước, khí trời dịu mát, vi vút gió khỏa nhẹ tứ bề. Và du khách còn bị thu hút bởi dáng ngồi của những cần thủ bên mép nước dưới tán rừng thông, nơi vòng cua ôm lấy chân lầu.
Ảnh nguồn internet |
Hàng ngày, từ rất sớm, mặt trời vượt đỉnh núi chưa xa họ đã có mặt. Dường như sự có mặt sớm ấy là để cho các phần việc sau này được diễn ra một cách ung dung, thư thả. Những chiếc dù tán rộng chân kiềng sắt lần lượt được dựng lên. Trong sự nhẩn nha, chậm rãi, cần thủ lôi từ chiếc ba lô cỡ lớn những chiếc cần câu hiện đại có thể thu gọn chỉ còn dài chừng 40 cm. Rồi từng lưỡi câu đựng trong hộp vuông ngăn nắp tra mồi giun hay mồi cám tự làm lấy với nguyên liệu cầu kỳ được nhào nhuyễn dậy mùi thơm cũng được nhẹ nhàng lấy ra. Thong thả tìm chỗ ưng ý, yên tĩnh và có bóng râm buông cần cách mép nước chừng 5 m, hay vút xa đến vài chục thước nước. Trầm tư và lơ đễnh, họ ngồi nhâm nhi cà phê, chuyện gẫu, mơ màng như thả hồn mộng tưởng dõi theo bóng những chiếc phao nhựa đủ sắc màu nổi lập lờ. Thế nhưng, mỗi khi chiếc phao bị kéo rụt, nhanh như cắt, bằng động tác khéo léo khi buông, khi giật, khi rê, khi kéo, họ lôi chú cá cắn câu vào bờ. Cảm giác hồi hộp đến nghẹt thở lan sang cả người xem. Có khi là sự nuối tiếc buông thành tiếng khi cá sổng. “Con cá sổng là con cá to”!
Mùa mưa, mực nước hồ dâng cao. Phía hồ B, dưới chân con đập tràn nối phường Yên Thế (TP. Pleiku) với xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) và khu vực lân cận, nước đục ở ruộng vườn chảy xuống, ngập những mô đất vốn mùa khô là gò bãi kéo theo mùn đất, dế giun nên mặt nước sát bờ là nơi cá hay đi kiếm ăn, ngược dòng đẻ trứng. Cần thủ chuyên và không chuyên xếp thành hàng ngồi chờ đợi, đông nhất từ chớm trưa đến tận cuối chiều, cả những ngày mưa dầm. Trong không gian dù âm u ảm đạm hay rạng rỡ nắng ngời, quang cảnh câu cá nơi đây vẫn vui nhộn. Cá tụ về nhiều, đủ cả: rô phi, trê, chép, mè, trắm, có cả lươn, chình và ba ba… Hoạt cảnh móc mồi, buông cần, cá cắn câu các kiểu, câu được cá lớn cá bé cùng tiếng reo vui hay tiếc nuối làm dậy lên vùng quê thưa vắng vốn tịch mịch êm đềm.
Ảnh nguồn internet |
Không chỉ câu, ở đây người dân còn thả những chiếc gọng vó có kích thước lớn mỗi chiều dài đến mươi mét cách xa mép nước, khu vực nước nông, gần dòng nước ngược để bắt cá. Đêm xuống, người ta thả vó ngập sâu tận đáy, cho mồi nhử cá vào lòng vó. Bằng cách này, mỗi lần cất vó vào đầu mùa mưa, có hôm được chục ký cá các loại. Những chú cá trắm, cá mè to nặng đến vài cân; cá chép, cá rô phi, cá trê khủng khi đã “chui vào rọ” này đừng hòng thoát! Kiểu đánh bắt này không nhiều, chỉ dành cho lão ngư chuyên nghiệp vì phải đầu tư vốn, lại chỉ dùng thời gian ngắn trong năm.
Năm nay mưa nhiều, mưa lớn từ đầu mùa, cá về khu vực này nhiều. Già trẻ rủ nhau đi câu ngồi kín bờ hồ. Những lúc nắng rạng tình cờ, bức tranh thiên nhiên và con người tạo nên nơi đây thật sống động, đẹp đến mê hồn! Tôi đã mượn cái cần câu hiện đại để tìm lại mình thuở thiếu thời nổi danh “sát cá”. Đâu chỉ có vui mà còn kiếm được bữa cá “nhòe” cho gia đình…
Nguyễn Đình Phê