(GLO)- Hàng chục cây cầu dân sinh (cầu treo, cầu tạm...) tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, do thiếu nguồn kinh phí sửa chữa, làm mới, nên nỗi lo về sự mất an toàn vẫn còn lơ lửng, nhất là khi mùa mưa lũ đang về...
Hơn 10 năm nay, cây cầu treo tại làng Tbé 1 đã giúp gần 100 hộ dân tại làng Tbé 1, Tbé 2 và làng Lao (xã Chơ Long, huyện Kông Chro) đi lại. Cây cầu này được người dân xây dựng để đi làm rẫy vào mỗi mùa mưa, khi mà con nước ở dòng suối Bờ Dầu lên cao không thể lội qua. Năm 2012, cây cầu treo này được Đoàn Thanh niên tình nguyện phối hợp với Huyện đoàn Kông Chro giúp đỡ người dân sửa chữa lại, nhưng đến nay cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên cầu, nhiều điểm gỗ đà đỡ và ván mặt cầu bị xô lệch và mục gãy, hệ thống dây cáp cũng đã rỉ sét, nhiều dây bị đứt gây mất an toàn cho việc đi lại của người dân.
Ảnh: Lê Anh |
Trước hiện trạng đó, cơ quan chức năng huyện Kông Chro đã chỉ đạo chính quyền địa phương cắm biển nghiêm cấm người dân đi lại. Tuy nhiên, do đây là con đường “độc đạo” để vào khu sản xuất, nên khi mùa mưa đến người dân vẫn bất chấp nguy hiểm… vượt cầu. Ông Đinh Khuêl (làng Lao) chia sẻ: “Biết cầu đã cũ và hư hỏng, chính quyền cấm đi lại, nhưng để đến rẫy thì mùa nắng có thể lội qua suối, còn mùa mưa chỉ còn biết đi qua cầu này mà thôi…”. Không chỉ cây cầu này, trên địa bàn huyện Kông Chro và các địa phương khác trong tỉnh vẫn còn hàng chục cây cầu treo, cầu tạm cùng chung cảnh ngộ.
Được biết, thực hiện Công văn số 4906/UBND-CNXD, ngày 11-12-2014 của UBND tỉnh về việc kiểm tra, rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải đã tiến hành rà soát tại các địa phương, hiện nay toàn tỉnh có 82 cây cầu dân sinh cần được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới.
Sau khi có kết quả, tỉnh Gia Lai cũng đã gửi đề xuất nhu cầu xây dựng cầu dân sinh đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để có hướng đầu tư. Tuy nhiên, ngày 11-3-2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Công văn 1106/TCĐBVN-CQLXDĐB về việc rà soát danh sách cầu dân sinh thuộc đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh (giai đoạn II) đảm bảo an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nêu rõ tiêu chí chung: các vị trí chưa có cầu ở khu vực lân cận; bị cô lập trong mùa mưa lũ; kết nối các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế…); các vị trí học sinh đến trường bằng thuyền, bè…; đối với cầu treo phải có chiều dài từ 40 mét trở lên, cầu cứng phải có chiều dài từ 50 mét trở lên. Trên cơ sở đó, từ đề xuất 82 cầu dân sinh của các địa phương, Sở Giao thông-Vận tải đã tiến hành rà soát các cây cầu đáp ứng được các tiêu chí chung của đề án. Tổng số cần đầu tư giai đoạn II là 33 cầu (giai đoạn I đã xây dựng được 7 cầu và đang trong giai đoạn hoàn thiện), trong đó có 7 cầu treo và 26 cầu cứng. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng mới chỉ đưa vào danh mục đầu tư 2 cầu treo tại huyện Chư Sê và Mang Yang, số còn lại đang nằm ở chế độ… chờ.
Ngoài số cầu dân sinh cần được đầu tư, hiện trên các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn có hàng trăm hệ thống đập tràn, cống tràn qua sông, qua suối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa lũ.
Ông Hà Anh Thái-Phó Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Nhu cầu xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến vấn đề này và nỗ lực kêu gọi, tìm nguồn vốn đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và bước đầu đã xây dựng mới được một số cầu ở những nơi cấp thiết. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có đề xuất đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét phê duyệt đầu tư thêm một số cầu dân sinh khác…”.
Lê Anh