Câu lạc bộ Văn nghệ buôn Plei Ơi (xã Ayun Hạ) góp phần giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: V.C |
Xã Ayun Hạ có 7 CLB, tổ, đội văn hóa-văn nghệ quần chúng. Để duy trì hoạt động thường xuyên, các CLB, đội văn hóa-văn nghệ đã xây dựng quy chế sinh hoạt bài bản. Ông Nguyễn Đức Thuận-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ayun Hạ-cho hay: Các thành viên tham gia CLB có độ tuổi khác nhau, nhưng có điểm chung là đam mê văn nghệ và mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.
Đây không chỉ là sân chơi lành mạnh góp phần rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Xã đang xây dựng kế hoạch thành lập đội văn nghệ chung gồm những thành viên đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình và năng khiếu để làm hạt nhân tham gia các phong trào văn hóa-văn nghệ của huyện.
Chị Phạm Thị Thủy-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ayun Hạ-chia sẻ: Toàn xã có 6 chi hội phụ nữ. Mỗi chi hội có 1 đội văn nghệ do chị em phụ nữ thành lập. Buôn Plei Ơi thành lập được 1 CLB văn nghệ gồm 20 thành viên, trong đó, 10 thành viên phụ trách tập luyện các tiết mục văn nghệ truyền thống, 10 thành viên còn lại đảm nhận các tiết mục dân vũ, múa hiện đại.
Vào các dịp lễ, Tết, các thành viên tích cực tập luyện và trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Để nâng cao chất lượng các CLB, đội nhóm văn nghệ, vừa qua, Hội phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng mở lớp sơ cấp đào tạo nghệ thuật múa quần chúng cho hơn 60 hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn huy động nguồn lực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ trong quần chúng nhân dân.
Sau 7 năm thành lập, CLB Văn nghệ xã Ia Sol ngày càng thu hút đông đảo thành viên tham gia. Đến nay, CLB có 20 thành viên. Ngoài biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dịp lễ, Tết, CLB còn tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp. Từ CLB, nhiều hạt nhân văn nghệ trẻ được bồi dưỡng, trở thành thế hệ tiếp nối, “giữ lửa” cho phong trào nghệ thuật quần chúng.
Chị Kpă H’Lưng-Chủ nhiệm CLB-cho hay: “Chúng tôi đều là những người đam mê múa hát, mong muốn giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc. Thông qua những bài hát, điệu múa, chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá tới mọi người về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai”.
Các học viên xã Ayun Hạ được cấp chứng chỉ sau khi tham gia lớp sơ cấp đào tạo nghệ thuật múa quần chúng. Ảnh: Vũ Chi |
Bà Kpă Loan-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Thời gian qua, các CLB, đội nhóm đã góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương phát triển mạnh mẽ. Không chỉ các xã, thị trấn, nhiều thôn, làng cũng thành lập đội, nhóm riêng.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ để tìm ra hạt nhân mới, nhiệt tình, năng động và có năng khiếu làm lực lượng kế cận tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân ở các CLB tham gia trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Các CLB, tổ, đội nhóm cũng cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương.
Văn nghệ quần chúng ở Gia Lai những năm đầu sau giải phóng
Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Krông Pa đậm sắc màu văn hóa
Tuy nhiên, theo bà Loan, hầu hết CLB đều thành lập tự phát, chưa đảm bảo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Vì vậy, Phòng đang hướng dẫn điểm cho 2 CLB văn nghệ tại buôn Plei Ring Đáp và Plei Ơi (xã Ayun Hạ) hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước.
Đồng thời, hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng cho CLB Văn nghệ buôn Plei Ring Đáp, 1 hệ thống âm thanh cho CLB Văn nghệ buôn Plei Ơi và hỗ trợ thêm trang phục trong thời gian tới.
Từ thành công của 2 mô hình này, huyện sẽ nhân rộng ra các xã trên địa bàn; phấn đấu đến cuối năm 2024, tất cả 10 xã, thị trấn đều có ít nhất 1 CLB hoạt động đúng quy định của Nhà nước, qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.