CCHC ở Gia Lai: Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2017, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Gia Lai đạt 73,68 điểm, đứng thứ 50/63 tỉnh, thành phố (giảm 2,36 điểm và tụt 25 bậc so với năm 2016). Để nâng cao chỉ số CCHC trong năm 2018, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, công tác CCHC hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Kiểm điểm nhiều cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót
Những chỉ số thành phần dẫn đến chỉ số CCHC của tỉnh bị sụt giảm trong năm 2017 gồm: công tác tuyển dụng, đào tạo, biên chế đội ngũ cán bộ; niêm yết công khai các thủ tục hành chính, chậm giải quyết các thủ tục; công tác thông tin báo cáo... Những hạn chế, yếu kém này đã được Thanh tra Bộ Nội vụ và Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Để nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn trong công tác CCHC. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cũng đã tập trung khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực quản lý. Chính vì thế, đến nay, những hạn chế, yếu kém về CCHC trong năm 2017 đã được khắc phục. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến các sai sót về quản lý biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý, số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động; đồng thời sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, hợp đồng lao động theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.
 Đoàn kiểm tra của tỉnh tiến hành kiểm tra công tác CCHC tại thị trấn Kbang, huyện Kbang. Ảnh: V.H
Đoàn kiểm tra của tỉnh tiến hành kiểm tra công tác CCHC tại thị trấn Kbang, huyện Kbang. Ảnh: V.H
Về việc khắc phục tình trạng báo cáo chậm gửi đến Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với công chức tham mưu chậm trễ; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình nguyên nhân chậm báo cáo là do các đơn vị, địa phương không gửi báo cáo về để Sở tổng hợp. Bên cạnh đó, theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ, Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh và các huyện: Đức Cơ, Chư Pah, Ia Grai, Krông Pa, Phú Thiện, TP. Pleiku chưa cập nhật đầy đủ thông tin, niêm yết công khai các thủ tục hành chính còn thiếu, tiếp nhận kiến nghị của công nhân khi giải quyết thủ tục hành chính chưa đầy đủ. Sau khi có kết luận, địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung và niêm yết công khai các thủ tục hành chính đầy đủ và đúng quy định.
Ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: Bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót, năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ thành lập đoàn kiểm tra về CCHC. Đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra trực tiếp tại 6 sở, ban, ngành của tỉnh và 8 UBND cấp huyện; đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm điểm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót trong công tác này. Đến ngày 17-9-2018, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức kiểm điểm 101 cá nhân, 79 tập thể để xảy ra các tồn tại, hạn chế mà đoàn kiểm tra của tỉnh phát hiện.
Những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, công tác CCHC năm 2018 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc mang tính khách quan cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, theo quy định của Bộ Nội vụ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải phát sinh hồ sơ giao dịch và thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, do trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa đồng đều nên khó thực hiện được dịch vụ này. Cùng với đó, nhiều công dân chưa tiếp xúc với máy tính nên khó thực hiện các thao tác như: tạo địa chỉ email, đăng ký tạo tài khoản trên trang dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, sử dụng máy tính có kết nối mạng, sử dụng máy scan giấy tờ để nộp hồ sơ trực tuyến... Đây chính là những hạn chế dẫn đến tình trạng người dân chưa tham gia dịch vụ này.
Theo quy định, các địa phương, đơn vị phải áp dụng trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, khoảng cách đến các cơ quan chức năng gần nên người dân, doanh nghiệp luôn muốn đến trực tiếp để được hướng dẫn, chủ động trong quá trình giải quyết hồ sơ. Cùng với đó, nhân viên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn hồ sơ của Bưu điện chưa thể hướng dẫn, giải thích cho người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ còn thiếu… dẫn đến tỷ lệ về các tiêu chí, tiêu chí thành phần này trong thời gian dài khó đạt theo yêu cầu của Bộ Nội vụ. Cùng với đó, cơ quan đặc thù như Thanh tra tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Song việc nhận đơn, thư của công dân và tổ chức cũng như ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu do Thanh tra tỉnh tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh nên không phát sinh việc tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tại đơn vị.
Trong các chỉ tiêu CCHC, Trung ương quy định tỷ lệ phát triển doanh nghiệp hàng năm của các tỉnh, thành phố phải đạt trên 30%. Tuy nhiên, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh ta đến năm 2020 là 7.000 doanh nghiệp, tăng hơn 2,3 lần so với cuối năm 2015 (quân bình mỗi năm tăng 20% số doanh nghiệp). Vì vậy, chỉ tiêu này thấp hơn so với tiêu chí của Bộ Nội vụ. Đây cũng là chỉ tiêu rất khó đạt được đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong công tác CCHC của tỉnh trong năm 2018, ông Võ Quốc Hùng cho biết thêm: Có những quy định của Trung ương đối với tỉnh rất khó thực hiện. Tuy nhiên, đây là cơ sở mà Bộ Nội vụ căn cứ để đánh giá điểm thành phần trong việc xếp loại CCHC nên bắt buộc chúng ta phải nỗ lực. Bên cạnh đó, để chỉ số CCHC của tỉnh năm 2018 tăng thì các cơ quan, đơn vị, địa phương không để xảy ra những tồn tại, hạn chế như năm 2017, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra. Sở Nội vụ sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong công tác này.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm