Xã hội

Gia đình

Cha mẹ nên rèn nếp tự học cho con như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làm thế nào để đến giờ học, trẻ tự giác ngồi vào bàn, cách nào giúp trẻ tập trung khi học? Việc này tưởng dễ mà làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh.

Có giục mới ngồi vào bàn học

Chị Lan Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hai con học lớp 8 và lớp 4 chia sẻ, ngày nào cũng như ngày nào, sau khi ăn cơm tối xong là hai con chị ngồi lỳ ở phòng khách chiếm lấy cái ti vi xem hết chương trình này đến chương trình khác, bố mẹ giục mỏi mồm mới chịu ngồi vào bàn học.

“Có hôm bực quá, tôi tắt tivi rồi rủ chồng đi bộ mang theo dây cắm để chúng ở nhà khỏi mở tivi. Một tiếng sau về nhà, cứ ngỡ chúng đã ngồi vào bàn học, ai ngờ chúng đang ngồi đánh bài với nhau. Khổ quá, chúng nó cứ làm như học cho bố mẹ không bằng” - chị Lan Anh than phiền.


 

 Cha mẹ nên rèn nếp tự học cho con từ nhỏ
Cha mẹ nên rèn nếp tự học cho con từ nhỏ



Còn anh Đỗ Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đến nhà ai thấy con họ đến giờ học tự giác ngồi vào bàn học, bố mẹ không phải nhắc nhở là tôi nể phục lắm. Dù vợ chồng tôi bắt con làm thời khóa biểu hằng ngày, giờ nào làm việc gì, có thưởng, có phạt nếu vi phạm mà chúng vẫn không tuân thủ.

Thêm nữa, dù đã ngồi vào bàn học, nhưng không có bố mẹ ngồi cạnh là thế nào chúng cũng vừa học vừa làm việc khác như đọc truyện hay lôi trò chơi ra chơi. Chẳng lẽ suốt ngày lôi con ra đánh”.

Bố mẹ phải kiên trì

Chị Lê Thu Hà, người có nhiều bài viết, sách audio, clip trên youtube chia sẻ về quá trình dạy con tư vấn, cha mẹ nên rèn nếp học cho con từ nhỏ. Cha mẹ quy định đến giờ con phải ngồi vào bàn học, cất hết đồ chơi đi để trẻ tập trung. Thời gian đầu, cha mẹ có thể cùng chơi, cùng đọc sách, cùng học, khuyến khích con khám phá những cái mới. Điều quan trọng là cha mẹ phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu của con.

Khi biết được điểm yếu của con, cha mẹ sẽ không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mà biết cách động viên, giúp đỡ con khắc phục điểm yếu, phát huy những điểm mạnh, như thế trẻ mới có hứng thú học, hứng thú khám phá cái mới. Trẻ thành công vì trẻ được làm những điều là thế mạnh của trẻ. “Rèn cho con nếp học là cả một quá trình đòi hỏi cha mẹ phải thực sự kiên trì, bền bỉ, không bỏ cuộc giữa chừng” - chị Thu Hà khuyên.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, người đã định hướng và chỉ dẫn hai con trai tự học và đạt học bổng du học thành công (chị đã có nhiều bài viết đăng trên mạng, video trên youtube được phụ huynh quan tâm)  tư vấn: Cha  mẹ phải chú trọng rèn luyện cho con nề nếp, kỹ năng học tập tốt từ cấp I để cấp II, trẻ có đủ quỹ thời gian làm chủ nhiều môn học mới. Khi con đã ngồi vào bàn học, cha mẹ tập cho con khả năng tập trung vào một việc duy nhất với thời lượng tăng dần phù hợp với từng độ tuổi.

“Bố mẹ sớm có định hướng rõ ràng về một cái đích mong muốn, ví như mong muốn con sẽ đi học ở nước ngoài từ cấp III hay bậc đại học. Từ đó chọn những học liệu phù hợp với hướng đi của mình, phù hợp với sức học của con, đưa ra một lộ trình rõ ràng cho con tự học và làm chủ được hệ thống kiến thức và kỹ năng cần có. Sau đó, kiên định, bền bỉ thực hiện theo lộ trình”, chị Hạnh chia sẻ.

Góc học tập tạo cảm hứng

Tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Oxford, Anh nhận xét, ngôi nhà là nơi tốt nhất để học sinh phát triển những thói quen và cảm hứng cho mình.

Một đứa trẻ ham đọc sách là đứa trẻ ham tìm hiểu, khám phá. Cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng thói quen đọc sách càng sớm càng tốt.

 


“Với sinh viên ở Anh và Mỹ, việc tự giác học ở nhà và sắp xếp thời gian biểu trở thành một việc hết sức tự nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, khá nhiều sinh viên từ các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, những ngày đầu vào trường có nhiều bỡ ngỡ. Bởi họ quen với việc một ngày học ở trường kín lịch, ở nhà có bố mẹ chăm sóc, lo lắng và sắp xếp tất cả từ môn học, giờ học…

Càng học, những sinh viên này càng đuối dần so với các bạn khác. Vì thế, “tự giác, tự quản và tự quyết” là một tiêu chí mà các sinh viên ngày nay cần phải có. Muốn vậy, bố mẹ nên giúp đỡ con hình thành những tính cách này qua định hướng hằng ngày từ nhỏ”.

 

TS. Nguyễn Tuệ Anh
 

Khi trẻ được 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để bắt đầu. Điều quan trọng là cha mẹ cần duy trì đều đặn hàng ngày, với một tín hiệu nhất định, ví dụ như là một giờ cố định trong ngày.

Cũng nên tạo một góc đọc xinh xắn trong nhà, có thể chỉ là một góc nhỏ đủ để trải một tấm thảm êm, xung quanh là sách, để trẻ có thói quen đọc sách tại góc đọc này, ngăn chặn trước nguy cơ trẻ ngồi đọc tại bất kì chỗ nào, không tốt cho lưng hay cho mắt.

Để trẻ được đáp ứng nhu cầu được hòa hợp, hãy cho trẻ ghi nhật ký đọc sách, ghi tên trẻ vào trang ghi tên trong cuốn sách (hoặc dán nhãn đề tên/hình ảnh của trẻ vào cuốn sách).

Khi trẻ có thể ngồi vào bàn học, cha mẹ thiết kế góc học tập cho con, góc học tập phải tạo được cảm hứng cho trẻ bằng cách để trẻ cảm thấy: Mình có một cái bàn; Cái bàn đó là của mình; Mình ngồi vào bàn đó là để khám phá.

Muốn thế, hãy để cho trẻ tự chọn một cái bàn vừa với chiều cao của trẻ, khiến trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, hòa hợp. Chiếc bàn đó nên để ở một chỗ cố định.

Cho trẻ sắp xếp, trang trí bàn học để tự tạo cảm hứng (nếu thấy bừa bộn cũng hãy chấp nhận). Khi có bàn học cho trẻ ngồi vào bàn để tô, vẽ, cắt, dán, làm trẻ thấy bàn học là nơi để mình khám phá, để mình làm ra những thứ thú vị.

 Minh Thư/báo TNVN
 

Có thể bạn quan tâm