Thời sự - Bình luận

Chấm dứt gian lận thi cử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tại 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, một vấn đề nổi cộm được đặt ra là làm sao để phát hiện được hành vi gian lận thi cử khi thị trường thiết bị công nghệ cao phục vụ cho việc truyền phát thông tin ngày một đa dạng, tinh vi.

Chính đại diện của Bộ Công an cũng phải thừa nhận thiết bị gian lận công nghệ cao hiện rất tinh vi, phức tạp, khó nhận diện. Do đó, dù có tập huấn, nhắc nhở, cảnh báo nhưng nhớ rằng giám thị hầu hết đều không có nghiệp vụ và không có kỹ năng để nhận diện hành vi gian lận, nhất là đối với những thiết bị công nghệ cao.

Vì lẽ đó dù hết sức cảnh giác, các giám thị vẫn không thể phát hiện được vụ việc thí sinh (TS) nhờ giải đề thi toán ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên một ứng dụng trực tuyến. Chính vì vậy, chúng ta không thể trông chờ và ủy thác hoàn toàn trách nhiệm phát hiện gian lận thi cử của TS cho giám thị hoặc thanh tra thi.

Chưa kể, gian lận thi không chỉ xảy ra đối với TS. Thực tế những năm qua, từ vụ việc tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ) năm 2006; vụ hội đồng coi thi Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012; gian lận chấm thi, "mua điểm" cho con ở 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La năm 2018… cho thấy gian lận thi cử còn đến từ "người lớn".

Mặc dù quy chế thi và luật pháp đã có nhiều biện pháp chế tài, răn đe, xử lý như đình chỉ, hủy kết quả thi hoặc xử lý theo pháp luật… nhưng dường như vấn đề này năm nào cũng xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Bộ GD-ĐT theo đó cứ điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn năm 2022 yêu cầu TS để vật dụng cá nhân cách phòng thi ít nhất 25 m. Đến năm nay lại điều chỉnh quy định, không cho phép TS mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình.

Nhưng không thể cứ mãi chạy theo kiểu cháy đến đâu, dập đến đó, luôn ở thế bị động mà phải làm thế nào để triệt tiêu ngay từ gốc để TS không còn cơ hội, điều kiện hay bất kỳ ý định nào gian lận thi cử. Ngoài những biện pháp về mặt kỹ thuật, siết chặt công tác coi và chấm thi…, cần có những giải pháp từ gốc.

Trước hết, cần có mức kỷ luật nặng hơn với những trường hợp cố tình gian lận thi cử. Không chỉ bị đình chỉ thi năm đó mà không cho thi nhiều năm sau nữa (chứ không dừng lại 2 năm như hiện nay). Giáo dục học sinh ngay từ nhỏ rằng đạo văn cũng như bất kỳ hành vi gian lận nào trong thi cử, học hành là phạm pháp, là vi phạm đạo đức và có biện pháp chế tài thích đáng. Phần lớn TS gian lận thi cử là mong muốn được vào các trường tốp đầu, vì vậy cần thay đổi cách thức thi sao cho đánh giá người học không chỉ dựa vào điểm số của một kỳ thi mà cả một quá trình và bằng nhiều hình thức khác.

Nếu cứ để xảy ra gian lận thi cử thì không chỉ mất thời gian, công sức đối phó mà quan trọng hơn cả là xã hội sẽ mất niềm tin vào sự công bằng ở một kỳ thi được xem là quan trọng và ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi TS.

Có thể bạn quan tâm