TN - Đất & Người

Chấm dứt hoạt động dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt của Công ty Hàn Việt.

Rừng bị phá tại dự án của Công ty Hàn Việt ẢNH: G.B
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở KH-ĐT thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án và các thủ tục tiếp theo có liên quan theo quy định. Trước đó, tại Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12.6.2020, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án trên địa bàn có vi phạm, trong đó rà soát, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định đối với dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt tại xã Hiệp An (H.Đức Trọng) của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt (Công ty Hàn Việt) do không thực hiện nghĩa vụ tài chính về bồi thường tài nguyên rừng, không triển khai đầu tư.

Nhà điều hành của dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt ẢNH: G.B
Hơn 92 ha rừng bị phá, lấn chiếm
Dự án trên được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD, thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, thời gian xây dựng là 3 năm 2 tháng. Quy mô dự án sẽ xây dựng sân golf 36 lỗ, hệ thống khu biệt thự, nhà nghỉ cao cấp, nhà hàng, khách sạn cùng các công trình khác... trên diện tích 268 ha đất rừng.
Nhiều dự án vi phạm bị "trảm"
Ngày 23.1, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ban hành các văn bản thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của nhiều dự án đầu tư trên địa bàn do có vi phạm trong quá trình triển khai, gồm: dự án khu du lịch sinh thái thác Đạ Sar tại H.Lạc Dương của Công ty CP Đạ Sar (TP.Đà Lạt); dự án khu biệt thự du lịch cao cấp tại TP.Đà Lạt của Doanh nghiệp tư nhân khách sạn Cựu Kim Sơn (TP.HCM); dự án xây dựng tổ hợp nhà hàng, khách sạn, cà phê, karaoke tại H.Bảo Lâm của Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất khoáng sản Phú Gia Phát (nay đổi tên thành Công ty CP đầu tư Phú Gia Phát - HCM); dự án khu du lịch sinh thái, mỏ nước khoáng và nghỉ dưỡng Quốc An tại H.Đức Trọng của Công ty CP Quốc An (H.Đức Trọng); dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo khu du lịch thác Cam Ly và lăng Nguyễn Hữu Hào tại TP.Đà Lạt của Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở KH-ĐT thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động và giao Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng rà soát, xác định nghĩa vụ tài chính còn nợ ngân sách và yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ (nếu có) theo quy định. 
Theo Sở KH-ĐT Lâm Đồng, sau 13 năm, Công ty Hàn Việt mới hoàn thành các thủ tục (trước năm 2012) như thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch tổng thể mặt bằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, giấy phép khai thác lâm sản (tận thu)...
Theo Kết luận thanh tra số 2094 ngày 13.4.2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Hàn Việt đã để xảy ra phá rừng 48,93 ha, lấn chiếm đất 31,02 ha. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 603 ngày 24.12.2020 của UBND H.Đức Trọng, lũy kế đến ngày 19.12.2020, diện tích rừng bị phá lên đến 52,39 ha và diện tích rừng bị lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp là 40,03 ha.
Ngoài ra, Công ty Hàn Việt còn nợ hơn 2,4 tỉ đồng tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại. Đồng thời, ngày 13.11.2020, Sở Tài chính Lâm Đồng có văn bản đề nghị Công ty Hàn Việt nộp hơn 10,9 tỉ đồng tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng đối với diện tích rừng bị mất tại dự án này, nhưng công ty vẫn chưa nộp.
Chủ đầu tư nói gì ?
Theo báo cáo của Công ty Hàn Việt, đến nay tổng chi phí công ty đã đầu tư vào dự án khoảng hơn 100 tỉ đồng (được kiểm toán và quyết toán thuế).
Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, Công ty Hàn Việt chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình theo giấy phép đã được cấp. Dự án đã chậm tiến độ 130 tháng theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư và chậm 85 tháng theo văn bản gia hạn của UBND tỉnh Lâm Đồng. Công ty cũng không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị phá và dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.
Giải thích với Thanh Niên, đại diện Công ty Hàn Việt cho rằng, nói chậm tiến độ là không đúng, bởi công ty đang triển khai thực hiện, thì tháng 10.2012 bị tỉnh yêu cầu dừng để xác định lại ranh giới vì diện tích hồ thủy lợi Ta Hoét chồng lấn với diện tích của công ty, và mãi đến tháng 8.2020 mới xác định xong. Hơn nữa, số liệu mất rừng và số tiền bồi thường tài nguyên rừng bị thiệt hại, công ty chưa thống nhất và đề nghị được thuê đơn vị tư vấn để kiểm kê, xác định lại.
“Công ty rất tâm huyết, mong được tiếp tục triển khai thực hiện dự án và cam kết hoàn thành các thủ tục kiểm kê, giải trình, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (theo kết quả kiểm kê, rà soát) trước ngày 30.3.2021”, đại diện Công ty Hàn Việt nói.
Theo Gia Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm