Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chấm dứt ngay nạn móc túi khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong vài năm gần đây, các cơ quan báo chí liên tục nhận được nhiều phản ánh của người sử dụng dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) về việc các nhà mạng viễn thông không minh bạch trong việc tính cước dịch vụ, thậm chí ngang nhiên móc túi khách hàng bằng cách tự tiện thu phí cung cấp các dịch vụ có tính phí gia tăng, mặc dù khách hàng không đăng ký. Các nhà báo đã xác minh và đăng tải rất nhiều bài báo vạch trần cách kinh doanh tham lam, tệ hại này, nhưng các nhà mạng có sai phạm vẫn phớt lờ việc thông tin phản hồi, cứ tiếp tục “ngậm miệng ăn tiền”. Các biện pháp kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng không có hiệu quả, không ngăn chặn được hành vi gian lận này.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, khi Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Hà Nội tiến hành thanh tra, đã phát hiện chỉ trong 3 năm (2013, 2014, 2015), hơn 93.000 khách hàng của các nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel, Vietnammobile đã bị gian lận tổng cộng 230 tỷ đồng vì phải chi trả phí cho các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động do Công ty Sam Media cung cấp. Công ty này dùng thủ thuật gửi tin nhắn mời tham gia, quảng cáo dịch vụ; nếu khách hàng không gửi tin nhắn hủy thì coi như một hợp đồng cung cấp dịch vụ đã được ký kết, tài khoản khách hàng bắt đầu bị trừ tiền. Với cuộc thanh tra này, đã chứng minh rõ ràng lâu nay người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ ở nước ta bị móc túi.

Tuy nhiên, dư luận bất bình vì Công ty Sam Media mới chỉ bị phạt 55 triệu đồng- một mức phạt rất thấp và việc xử phạt cũng không đả động tới trách nhiệm liên đới của các nhà mạng. Số tiền Công ty Sam Media và các nhà mạng thu lợi bất chính từ khai thác dịch vụ nhắn tin, cung cấp nội dung đã không bị tịch thu. Việc các nhà mạng cung cấp các dịch vụ nhảm nhí, mê tín cũng chưa bị nhắc nhở. Như vậy biện pháp xử lý không đủ răn đe, cũng không bênh vực quyền lợi người dùng dịch vụ ĐTDĐ bị thiệt hại. Hiện còn nhiều công ty khác cũng đang làm đối tác với các nhà mạng cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động cho hơn 123 triệu thuê bao trong nước. Do đó thực tế số tiền người dùng ĐTDĐ cả nước bị thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều và khi các nhà mạng tuyên bố ngừng hợp tác với Công ty Sam Media cũng không có nghĩa người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ đã hết bị móc túi.

Từ ngày 12-8-2016, Thông tư 17/2016/TT-BTTTT của Bộ TT-TT quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động đã có hiệu lực thi hành. Dù muộn màng nhưng thông tư này cũng đáp ứng yêu cầu cấp bách quản lý, chấn chỉnh tình trạng bát nháo, gian lận trong việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động hiện nay, nêu rất rõ quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung cũng như trách nhiệm của nhà mạng. Nhà mạng phải hỏi rõ ý kiến xác nhận của người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ trước khi kích hoạt dịch vụ, không thể tự động đăng ký dịch vụ rồi bắt khách hàng phải trả tiền.

Tuy nhiên Thông tư 17/2016/TT-BTTTT vẫn chưa đủ để chấm dứt nạn móc túi người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ. Theo thông tư này, cơ quan chức năng quản lý nhà nước chưa mạnh dạn bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ khi để họ đơn độc trong việc thực hiện quyền khiếu nại với nhà mạng về các vấn đề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, để được nhà mạng xét giải quyết hoàn trả phần phí dịch vụ đã thu sai. Nếu nhà mạng giải quyết không thỏa đáng thì chỉ còn cách khởi kiện dân sự. Hầu hết người sử dụng dịch vụ đều ngại đi khiếu nại, khởi kiện với thời gian kéo dài, mất nhiều công sức để đòi lại được vài triệu đồng bị móc túi. Do vậy, nhà mạng không có đạo đức kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục tính phí gian lận, vì thu lợi bất chính lớn mà chỉ phải hoàn trả tiền gian lận cho vài khách hàng nào chịu theo đuổi vụ kiện cáo.

Do vậy, cùng với việc tăng cường quản lý để thực thi nghiêm chỉnh Thông tư 17/2016/TT-BTTTT, còn cần có các biện pháp kiểm tra, thanh tra, chế tài hữu hiệu. Bộ TT-TT nên có các quy định chặt chẽ để các nhà mạng không thể lợi dụng sự thiếu minh bạch trong tính cước, khách hàng có thể dễ dàng kiểm soát được các khoản bị thu. Kiên quyết xử lý pháp luật, truy thu số tiền thu lợi bất chính; xử phạt đối với việc cung cấp các dịch vụ nhảm nhí, bói toán, mê tín trên mạng viễn thông. Cơ quan chức năng liên quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ, không để họ đơn độc trong việc thực hiện quyền khiếu nại với nhà mạng.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm