Sức khỏe

Krông Pa: Gia tăng bệnh sốt rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong nửa đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Krông Pa đã có hàng trăm người dân mắc bệnh sốt rét. Hệ thống y tế đã vào cuộc ráo riết nhưng đến nay vẫn chưa thể kiềm chế.  

Đi vào “điểm nóng” sốt rét

Buôn Du (xã Chư Rcăm) nằm trải dài theo quốc lộ 25. Như bao buôn làng Jrai khác ở huyện Krông Pa, hơn 240 hộ dân với trên 1.000 khẩu nơi đây có thói quen đi rừng, ngủ rẫy. Nhất là vào những ngày đầu mùa mưa, khi đang vào mùa trồng mì thì thời gian ngủ rẫy của bà con càng kéo dài.

Dù đã được nhân viên y tế thôn thông báo từ trước, nhưng khi đoàn cán bộ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn có mặt thì buôn Du vẫn vắng vẻ như mọi khi. Trong làng chỉ còn một ít trẻ con và người già. “Hầu hết người lớn và trẻ nhỏ đã lên rẫy và ngủ lại đó từ mấy ngày trước rồi. Đang mùa trồng mì mà”-Trưởng thôn Hiao Phem phân trần.  


 

Trung tâm Y tế huyện Krông Pa cấp phát màn và tẩm màn bằng hóa chất cho người dân.   Ảnh: Đ.P
Trung tâm Y tế huyện Krông Pa cấp phát màn và tẩm màn bằng hóa chất cho người dân. Ảnh: Đ.P

Nơi làm rẫy của người dân buôn Du là khu vực suối Ia Soăi, cách làng gần 30 cây số. Đây là vùng quanh năm có nước và cây cối rậm rạp. Xen kẽ giữa các đám rẫy là hồ nước đọng và bãi sình lầy cỏ mọc um tùm. Cán bộ y tế xã cho biết, mấy năm trước, đoàn cán bộ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương phối hợp với ngành Y tế địa phương nhiều đợt vào đây tìm bắt muỗi đã phát hiện tỷ lệ muỗi chứa thoa trùng sốt rét (dạng như ổ trứng-P.V) khá cao.

Sau khi điều tra thực tế ở xã Chư Rcăm và vùng rẫy Ia Soăi, đoàn công tác của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đánh giá: Tính riêng năm 2018, toàn xã Chư Rcăm có 70 bệnh nhân sốt rét. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 44 bệnh nhân phải điều trị tại các cơ sở y tế. Hầu hết người bệnh là dân buôn Du và đều trở về từ vùng rẫy suối Ia Soăi. Trong làng chưa phát hiện muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét.

 

Tập trung phòng-chống sốt rét


Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Trung bình mỗi tuần có 5-6 bệnh nhân sốt rét nhập viện điều trị. Theo quy luật, bệnh nhân sốt rét bắt đầu tăng từ tháng 8 năm nay đến tháng 1 năm sau và giảm từ tháng 2 đến tháng 7. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019, số bệnh nhân sốt rét trên địa bàn lại tăng đột biến lên 342 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018 (6 tháng đầu năm 2018 có 73 bệnh nhân).

Hiện nay, tại tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có bệnh nhân sốt rét. Trong đó, bệnh nhân gia tăng nhiều ở xã Ia Hdreh (46 bệnh nhân), xã Chư Rcăm (44 bệnh nhân) và một số xã như Phú Cần, Krông Năng, Ia Rmok, Chư Drăng. Từ đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các thôn thuộc các xã trọng điểm sốt rét; cấp 40.790 màn đôi tẩm hóa chất tồn lưu lâu (LLINs) cho 13 xã (trừ thị trấn Phú Túc), tỷ lệ bình quân 1,8 người/màn; cấp 4.300 võng màn cho 5 xã có tỷ lệ bệnh nhân sốt rét và dân đi rừng ngủ rẫy cao gồm Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Ia Mlah, Đất Bằng; tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho các thôn trọng điểm của 2 xã: Ia Rmok (2 thôn), Ia Rsai (5 thôn). Hiện ngành Y tế huyện đang tiến hành cấp 7.795 tuýp kem xua muỗi cho người dân đi rừng ngủ rẫy của 13 xã. Công tác truyền thông phòng-chống sốt rét được triển khai thường xuyên để nâng cao ý thức người dân. “Cùng với đó, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cũng đã vào cuộc cùng với Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện tổ chức nhiều đợt bắt muỗi, giám sát, điều tra dịch tễ tại nhà dân và vùng rẫy của đồng bào đang sản xuất... nhằm hạn chế sự gia tăng bệnh sốt rét”-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết thêm.

 

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm