Điểm đến Gia Lai

Hướng đến thương hiệu rau An Sơn-Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đak Pơ là huyện có diện tích rau xanh lớn nhất tỉnh. Để góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây rau, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất rau tại địa phương, huyện đang tiến hành xây dựng thương hiệu rau An Sơn-Đak Pơ. 
Thu nhập ổn định nhờ trồng rau
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Người dân trong huyện có truyền thống sản xuất rau xanh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Với kinh nghiệm lâu năm kết hợp với việc tiếp cận quy trình sản xuất mới có áp dụng khoa học kỹ thuật và chú trọng sản xuất rau an toàn, những năm qua, sản phẩm rau xanh của huyện đã được thị trường tin dùng. Diện tích rau xanh của huyện chủ yếu tập trung tại các xã: Tân An, Cư An, Phú An và thị trấn Đak Pơ. “Thời gian tới, vùng sản xuất sẽ được mở rộng ra tất cả các xã trên toàn huyện bởi quỹ đất canh tác còn rất lớn, thổ nhưỡng phù hợp, đúng theo quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, đến năm 2025, diện tích sản xuất rau an toàn của huyện đạt gần 300 ha và đến năm 2030 đạt 500 ha”-ông Hiệp thông tin thêm.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Đak Pơ, địa phương này có khoảng 3.000 ha đất chuyên trồng rau; bình quân diện tích trồng rau xanh hàng năm đạt trên 6.400 ha, chiếm 28% tổng diện tích gieo trồng toàn huyện. Sản lượng rau bình quân mỗi năm đạt hơn 100 ngàn tấn với trên 40 loại như: bắp cải, cải xanh, cải ngọt, cải bẹ, súp lơ, xà lách, hành, ngò, cải cúc, rau muống, rau cần, dưa leo, khổ qua, bí đỏ, dưa hấu, đậu cô ve, đậu bắp, cà chua, ớt và các loại rau gia vị. Năng suất đạt 20-25 tấn/ha đối với rau ăn lá ngắn ngày, 35-40 tấn/ha với rau ăn lá dài ngày, 40-50 tấn/ha rau ăn quả, 35-40 tấn/ha rau ăn củ. Trên địa bàn huyện hiện có 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua các sản phẩm rau xanh và 1 hợp tác xã dịch vụ vận tải hỗ trợ vận chuyển rau xanh đến nơi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ rau Đak Pơ chủ yếu là trong tỉnh và ở các tỉnh, thành miền Trung như: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định.
Mô hình sản xuất rau thủy canh của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: L.N
Mô hình sản xuất rau thủy canh của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: L.N
Ông Nguyễn Văn Thư (thôn An Sơn, xã Cư An) cho biết: Người dân ở đây sản xuất rau xanh từ lâu đời. Mặc dù cũng có nhiều thăng trầm song cây rau đã giúp người dân có cuộc sống ổn định. Gia đình tôi có 2 sào đất trồng rau quanh năm, mùa nào thì rau nấy. Ngoài sản xuất, gia đình tôi còn thu mua thêm các loại rau xanh của bà con để xuất đi Đà Nẵng, mỗi ngày khoảng 1,5 tấn rau các loại.
Hiện nay, sản xuất rau trên địa bàn huyện Đak Pơ còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, chưa có những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ quy mô lớn. Giá rau xanh cũng thường xuyên biến động. Nhưng nhìn chung, sản xuất rau xanh vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng mía, mì, bắp... Những năm qua, trình độ thâm canh của người trồng rau ngày càng cao. Người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng rau. Đặc biệt, một số hộ đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau. Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An) cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào đất sản xuất. Trong đó, tôi sử dụng 4 sào làm vườn ươm cây giống rau các loại cung cấp cho người các huyện, thị xã phía Đông tỉnh; 1 sào dùng để trồng rau sạch công nghệ cao theo phương pháp thủy canh. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình cũng lãi vài trăm triệu đồng. Biết huyện đang triển khai dự án xây dựng thương hiệu rau An Sơn-Đak Pơ, chúng tôi rất mừng bởi khi đã có thương hiệu thì sản phẩm của bà con làm ra sẽ được nhiều nơi biết đến và tiêu thụ cũng ổn định hơn”.

Hướng tới thương hiệu rau An Sơn-Đak Pơ

Từ nhu cầu thực tế của người sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn, tháng 4-2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ đã triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rau An Sơn-Đak Pơ”. Dự án có tổng kinh phí 600 triệu đồng, được triển khai đến tháng 3-2021. Đơn vị này đang tập huấn kiến thức cho các hộ sản xuất, kinh doanh rau nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, chủ trương xây dựng nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài ra, huyện Đak Pơ đã trình UBND tỉnh xin được sử dụng tên địa danh An Sơn-Đak Pơ để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận theo quy định. Ông Nguyễn Hiệp cho biết: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận rau An Sơn-Đak Pơ sẽ giúp nông dân phát triển sản xuất rau theo hướng VietGAP, GlobalGAP... Đồng thời, việc này còn góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường tại địa phương và các tỉnh thành trong cả nước; thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, giá trị và uy tín của sản phẩm rau An Sơn-Đak Pơ sẽ tăng lên, thu nhập của người dân cũng sẽ được nâng cao.
“Để dự án phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ triển khai xây dựng và thiết kế hệ thống nhận diện hoàn chỉnh, thực hiện các chương trình quảng bá và giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại nhiều địa phương. Đồng thời, huyện thí điểm việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc, đem lại giá trị đích thực cho sản phẩm. Tất cả nhằm đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa đúng theo các tiêu chí chứng nhận, nhà sản xuất được Nhà nước can thiệp đảm bảo sự bình đẳng, công bằng”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm