Điểm đến Gia Lai

Chư Păh phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Chư Păh đã phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong việc “cùng làm, cùng hưởng lợi”. Qua đó, người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công, tiền của và tham gia giám sát xây dựng NTM.
Hòa Phú là xã thứ 4 của huyện Chư Păh vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Có được kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cố gắng của chính quyền địa phương cùng người dân chung sức hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Theo đó, xã đã vận động người dân tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”... Qua đó, người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ hàng rào để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng.
Ông Trương Vĩnh Hải (thôn 4, xã Hòa Phú) cho biết: “Khi xã triển khai xây dựng chợ tại thôn 4, gia đình tôi tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất. Ngoài ra, tôi cùng với các hộ trong thôn đóng góp tiền, ngày công để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn và các công trình khác”. Còn ông Rơ Châm Khoan-Trưởng thôn Hreng thì cho hay: Người có điều kiện thì đóng góp kinh phí, người không có điều kiện thì góp ngày công hoặc hiến đất để làm nhà văn hóa, mở rộng hơn 4 km đường giao thông nông thôn và nhiều công trình khác. “Giờ đây, xã Hòa Phú đã đạt chuẩn NTM, hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của bà con. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao”-ông Khoan nói.
Người dân huyện Chư Păh tích cực góp công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Chư Păh tích cực góp công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam
Tuy là xã khó khăn nhất huyện nhưng khi phát động phong trào xây dựng NTM thì người dân xã Ia Kreng đều đồng tình hưởng ứng. Đến nay, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí. Ông Rơ Châm Ker (làng Doch 1) không giấu được niềm vui: “Khi xã phát động làm đường giao thông nông thôn, mình không có tiền nên chỉ góp công và hiến hơn 250 m2 đất vườn. Giờ thôn có đường bê tông rộng rãi giúp bà con đi lại thuận lợi mình cũng vui”. Trong khi đó, ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng thì thông tin: Xã có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân rất tích cực đóng góp ngày công lao động và hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, bà con cũng chủ động chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế, tự sửa chữa nhà ở, làm nhà vệ sinh và thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Ông Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT (thứ 2 bìa trái) kiểm tra mô hình trồng báp sinh khối
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra mô hình trồng bắp sinh khối. Ảnh: Lê Nam
Thời gian qua, huyện Chư Păh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cải tạo lại vườn tạp, sửa chữa nhà ở, làm nhà vệ sinh, chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, sửa chữa, nạo vét kênh mương các công trình thủy lợi, công trình nước sạch nông thôn phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 6,06% và phấn đấu đến cuối năm 2021 giảm còn dưới 3,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó, vai trò chủ thể của người dân luôn được phát huy tích cực với việc đóng góp hàng chục tỷ đồng, góp công, hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng”.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm