Điểm đến Gia Lai

Xem phim một thuở ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới lại vào rạp xem phim. Là nhân lúc phim “Em và Trịnh” đang hot, mà tôi lại là người mê Trịnh Công Sơn, có dăm ba lần được... ngắm Trịnh, từng ngồi cà phê trên căn gác Trịnh ở cố đô Huế-chỗ Trịnh từng ngồi viết những ca khúc mê hoặc bao người, ngắm những tia nắng lung linh qua vòm long não... nên dẫu thiên hạ cãi nhau và khuyên tôi đừng đi nếu muốn giữ Trịnh cho mình nguyên sơ nhất, tôi vẫn đi, suất chiếu 15 giờ, rạp có... 10 khách.
Trước đấy vài tháng, cũng rạp này, tôi xem bộ phim của một đạo diễn người Pleiku làm về Pleiku-anh Đào Phúc Quang Vũ với bộ phim “Vai anh em tựa vào”.
Tất nhiên, rạp bây giờ khác ngày xưa rất nhiều. Duy nhất tôi là người không mua nước ngọt và bỏng ngô mang vào rạp. Bởi tôi muốn giữ những kỷ niệm ngày xưa, mỗi lần đi xem phim là như vào thiên đường dù rất khổ cực, thậm chí là nguy hiểm và ghế, máy chiếu, phòng chiếu... hoàn toàn khác xa bây giờ, thô sơ hơn nhiều, thậm chí khai và hôi mù mịt.
Sau năm 1975, ở Pleiku có 3 rạp chiếu bóng, rạp Diệp Kính lớn nhất và lâu đời nhất, rồi rạp Thăng Long và rạp Diên Hồng. Trừ rạp Diệp Kính lấy tên riêng của chủ, 2 rạp còn lại cũng của tư nhân nhưng lấy tên đầy hào sảng là Thăng Long và Diên Hồng. Sau khi được tiếp quản, các rạp được chính quyền đổi tên thành Nhân Dân (Diệp Kính), Thống Nhất (Diên Hồng), còn rạp Thăng Long chuyển thành Nhà Văn hóa tỉnh, giờ là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San.
Tốt nghiệp đại học, tôi lên đây công tác và chứng kiến những ngày huy hoàng của các rạp chiếu bóng, hồi ấy trực thuộc công ty chiếu bóng, công ty này trực thuộc Ty Văn hóa-Thông tin.
Những thanh sắt to bằng bắp tay được hàn song song chiều rộng chừng 40 cm kéo từ ô cửa bán vé ra đến tận ngoài đường để người xem xếp hàng một, không được chen ngang. Ngày chiếu 4-5 suất, ngoài nhân viên của rạp còn có cả Kiểm soát Quân sự và Công an cùng soát vé, bảo vệ. Thế mà lúc nào cũng ào ào như sôi, ngày nào cũng xảy ra xô xát. Hãi nhất là thi thoảng có những đoàn bộ đội hành quân từ biên giới về, đến rạp Diệp Kính thường là được dừng để nghỉ ngơi. Thế là lính ta ào vào rạp, bất kể đang chiếu gì, có vé hay không. Thế là những người vừa chen nhau “bẹp ruột” mua vé lẳng lặng nhường chỗ cho bộ đội. Lại nhớ chuyện hồi ấy đưa người yêu đi xem phim, chen bật cúc áo là thường. Nhiều chị cầm vé trong tay để vào mà có khi cũng còn bị bật cúc, tóc tai bê bết rã rợi, giày dép cầm trên tay hoặc đã lạc đâu đó vì chen lấn, xô đẩy nhưng mặt mũi thì cứ ngời ngời hân hoan.
Hồi ấy, phim có mấy nguồn, phim nước ngoài chủ yếu là Liên Xô, thi thoảng có phim Ba Lan, phim Tiệp Khắc... thì phải được duyệt trước. Hội đồng duyệt do Ty Văn hóa-Thông tin lập ra, tôi thi thoảng được ké, rất thích. Những bộ phim rất hay như “Con hủi”, “Nếu tôi chết hãy kết tội Klava”, “Matxcova không tin những giọt nước mắt”... Phim trong nước thì của Hãng phim Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh thắng thế, cứ phim ấy là đặc khách.
Phim hồi ấy không có phụ đề, mà phải thuyết minh. Mỗi rạp có những biên chế bắt buộc là thuyết minh, họa sĩ vẽ áp phích, pa nô, kỹ thuật máy chiếu và bảo vệ. Bảo vệ là cực nhất. Thứ nhất là rạp lúc nào cũng đông nghẹt thế, thứ 2 là số người đi không vé khá nhiều và thứ 3, như đã nói, bộ đội đi xem đa phần là đi... tay không.
Ghế đa phần là ghế sắt, có người vào muộn là những tiếng va đập vang lên, chưa kể còn món rất phổ biến của xem phim thời ấy: Hút thuốc trong rạp, dù rạp nào cũng có hàng chữ “Không hút thuốc” đỏ lừ phía trên.
Có khi đang xem thì... đèn bật sáng, thuyết minh mời bà con nghỉ vì... phim chưa về. Có một bản phim nhựa mà 3 rạp cùng chiếu nên phải chạy luân phiên. Chiếu lệch nhau 15 phút, cứ xong đoạn phim nào thì một anh công nhân nổ máy xe chở cuốn phim nhựa đó tới rạp kia, tua vội lại rồi lắp vào máy phục vụ bà con. Lắp lộn hoặc thuyết minh nhảy cóc là chuyện bình thường. Chiếu ở thị xã Pleiku cho tua xơ mướp xong mới chuyển về các huyện cho các đội chiếu bóng lưu động nên cái chuyện phim bị nối, đang chiếu bị đứt là bình thường. Các bản dịch thuyết minh bị rách, bị mờ cũng như cơm bữa nên thuyết minh giỏi là phải biết... phịa. Tôi thi thoảng cũng được mời thuyết minh giúp cho đội lưu động chiếu ở nhà hát ngoài trời (giờ là một góc Quảng trường Đại Đoàn Kết), và cũng phải... phịa, có khi phịa tới nửa phim mà không ai biết.
Nhưng hồi ấy, rạp chiếu phim vẫn là thiên đường. Mỗi khi có phim mới là phải đi xếp hàng mua vé trước, thậm chí phải mang giấy giới thiệu của cơ quan tới để được mua nhiều. Và, ở rạp Nhân Dân (tức Diệp Kính) luôn có đội ngũ bán vé chợ đen. Giờ nghe lại không ai tin, nhưng hồi ấy có tới mấy người sống bằng nghề bán vé chợ đen ở rạp. Còn bán nước, thuốc lá, kẹo là đương nhiên. Tôi chưa gặp, nhưng nghe nói một ca sĩ nổi tiếng sau này sang Mỹ định cư cũng từng bán nước trà đá ở rạp Diệp Kính một thời.
Nên bây giờ, ngồi trong cái rạp phim hiện đại mọi nhẽ, có 10 người xem, mỗi hàng ghế một khán giả, nhớ cái thời thiên đường ngày xưa mà vẫn bồi hồi. Bao giờ trở lại ngày xưa, với điện ảnh là câu hỏi rất thật!
VĂN CÔNG HÙNG
 

Có thể bạn quan tâm