Phóng sự - Ký sự

Sông Ba thời… hấp hối!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sông Ba- con sông lớn chảy qua nhiều huyện phía Đông, Đông Nam tỉnh Gia Lai, gắn liền với lịch sử văn hóa; có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội có nguy cơ thành… sông “chết” trong mùa khô!
Nước sông ô nhiễm..
Vài tháng nay, thủy điện An Khê- Ka Nak tích nước, cộng với mùa khô đang gay gắt ở Tây Nguyên khiến dòng sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê chẳng khác gì sông chết. Nhiều đoạn trơ đáy, thậm chí bò ra tận… giữa sông nhẩn nha gặm cỏ. Nước sông bị ô nhiễm nặng bởi xác súc vật chết đang phân hủy, cộng thêm một số nguồn nước thải… khiến cá dưới sông nổi chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối. Hàng ngàn người dân đang gồng mình hứng chịu cảnh này trong sự bất lực.
Sông Ba trơ đáy, bò có thể ra giữa sông gặm cỏ. Ảnh: Trần Hiếu
Sông Ba trơ đáy, bò có thể ra giữa sông gặm cỏ. Ảnh: Trần Hiếu
Ngày trước, dòng chảy sông Ba còn mạnh, nhiều rác rưởi, xác động vật… bị cuốn trôi về hạ du. Nay tất cả đều ứ lại. Sông Ba đang biến thành một “hồ” chứa rác! Nhiều người dân ở dọc sông từ lâu đã bỏ đi thói quen tắm sông bởi vì nước bị ô nhiễm, tắm xong là người nổi mẩn ngứa. Ông Trần Đức Sinh- một người dân ở thị xã An Khê than: “Nhà tôi ở gần sông, nhiều người trong nhà ngửi phải mùi này người cứ váng vất”.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, ông Hoàng Đình Chung cho biết: “Sở đã phối hợp với các sở ngành, địa phương và Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường (Quảng Ngãi) kiểm tra, giám sát môi trường sông Ba. Nhiều chỉ tiêu qua kiểm tra không đạt. Cụ thể, mẫu nước thải lấy tại đầu ra hệ thống xử lý nước thải tập trung của Nhà máy Đường An Khê có chỉ tiêu Coliform vượt 1,7 lần cho phép. Mẫu nước thải rò rỉ từ hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải sinh hoạt của Công ty TNHH Veyu (phường An Tân, thị xã An Khê)  và nước thải từ khu dân cư lân cận (khoảng từ 5 m3 đến 10 m3/ngày), chỉ tiêu về nhu cầu ô xy sinh hóa (vượt 2,5 lần), nhu cầu ô xi hóa học vượt 1,8 lần, Coliform vượt 5,4 lần. Hay Nhà máy tuyển quặng Kbang cũng có nhiều chỉ tiêu về môi trường không đạt…”.
Cũng theo kết quả kiểm tra của sở này, tại nhiều vị trí quan trắc nước sông Ba và nước thải của một số cơ sở sản xuất kinh doanh thải ra sông đã có dấu hiệu ô nhiễm. Cùng với việc bị chặn dòng, sông Ba đang bị nhiều yếu tố khác làm hại. Với thực tế này, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai nêu rõ là nguồn nước sông Ba “không đảm bảo cho mục đích cung cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động thực vật thủy sinh và thiếu nước cho mục đích tưới tiêu thủy lợi”.
Ảnh hưởng đến đời sống dân sinh
Sông Ba chủ yếu nằm trên địa bàn Gia Lai với chiều dài hơn 300 km. Từ hai bên bờ sông hình thành những vùng dân cư trù phú, có lịch sử cả hàng trăm năm. Tuy vậy, con sông này đang trong tình trạng ô nhiễm nặng. Hệ lụy kéo theo là hàng chục ngàn người dân của các huyện: Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và 2 thị xã An Khê, Ayun Pa gánh hậu quả. Như tại An Khê, trên 100 ngư dân ở đây sau vài chục năm đánh cá trên sông Ba đành ngậm ngùi mưu sinh bằng công việc khác. Nguồn thủy sản trên sông, theo họ đã sụt giảm nghiêm trọng. Cá đá, một đặc sản nổi tiếng của vùng này có lẽ nay mai chỉ còn trong… trí nhớ!
Cống xả nước thải của Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Trần Hiếu
Cống xả nước thải của Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Trần Hiếu
Bà Đặng Thị Yến- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê cho biết: “Ô nhiễm sông Ba đoạn qua thị xã An Khê ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn người dân thị xã.  Sông cạn kiệt, không thể lưu thông khiến nước chuyển thành màu đen, gây yếm khí làm cho cá, tôm chết hàng loạt. Chúng tôi đã huy động gần 1.000 đoàn viên thanh niên trên địa bàn làm vệ sinh trên sông. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi phải có văn bản “kêu” lên Ban Quản lý Thủy điện 7 để họ xả nước xuống. Nhưng trong một ngày với lưu lượng xả như thông báo là 8-10 m3/giây vẫn chưa thể làm sạch sông”.
Tại huyện Kông Chro, các công sở, nhà trẻ, trường nội trú và khoảng 2.000 dân đang sử dụng nước máy được lấy từ sông Ba. Nhiều công chức, gia đình không dám dùng nước máy để uống, phải thay bằng nước đóng bình. Ngoài ra, hàng trăm ha cây trồng hai bên bờ sông cũng đang thiếu nước tưới, lâm cảnh khô hạn. “Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, huyện rất cần đầu tư khai thác nguồn nước mới. Dĩ nhiên, môi trường, khí hậu ở đây sẽ có thay đổi theo chiều hướng xấu khi sông Ba khô kiệt…”- Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Trần Thị Nhiên nói.
Các huyện Đak Pơ, Ia Pa, Krông Pa cũng lâm cảnh tương tự. Nhiều trạm bơm lấy nước từ sông Ba mấy tháng nay đã mất tác dụng, các dòng kênh trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ vì thiếu nước. Hàng trăm ha lúa nước vụ Đông Xuân đang chết héo vì thiếu nước tưới. “ Vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước về sông Ba sụt giảm khá lớn. Nếu thủy điện tích nước vào mùa khô, không trả nước về hạ du, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có sông này chảy qua”-ông Hoàng Đình Chung-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai lo ngại. 
Sông Ba khô kiệt và nhiều khả năng tình trạng này sẽ kéo dài khi đến mùa khô bởi thủy điện tích nước, nắn dòng. Rừng bị phá, các suối chảy ra sông Ba bị ô nhiễm cộng với thực trạng trên khiến chính con người phải lãnh đủ!
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm