Phóng sự - Ký sự

Chuyện về vị Tư lệnh hy sinh trên chiến trường K

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bảo tàng Quân đoàn 3 là nơi lưu giữ ký ức chiến tranh cũng như những chiến công vang dội của các thế hệ cha anh đi trước.

Ở một vị trí trang trọng, Bảo tàng trưng bày những kỷ vật, tư liệu liên quan đến Thiếu tướng Kim Tuấn-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, người đã anh dũng hy sinh khi giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi bọn Pol Pot.

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3-cho biết: Nói về Thiếu tướng Kim Tuấn thì có nhiều câu chuyện để kể. Ông là vị tướng anh dũng, kiên cường, luôn nhận nhiệm vụ khó khăn và rất nghĩa tình. Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tên tuổi của ông gắn với những chiến công như: chiến thắng Nam Lào, truy kích địch trên quốc lộ 25, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Năm 1963, ông Kim Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Quân lực. Trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp-khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng phân tích: Nếu Kim Tuấn ở đơn vị chiến đấu thì phù hợp hơn và có điều kiện phát triển tốt. Lời gợi ý chân tình của người Anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp ông nhanh chóng có quyết định. Ông đề đạt nguyện vọng với cấp trên và ít lâu sau thì nhận quyết định trở lại Sư đoàn 320.

Thiếu tướng Kim Tuấn (bìa trái) báo cáo tình hình tại mặt trận Campuchia (tháng 1-1979) cho Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn (ảnh tư liệu).

Thiếu tướng Kim Tuấn (bìa trái) báo cáo tình hình tại mặt trận Campuchia (tháng 1-1979) cho Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn (ảnh tư liệu).

Tôi nhiều lần được gặp và trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến, những người đã sát cánh cùng Thiếu tướng Kim Tuấn trong một thời gian dài. Trò chuyện với tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn dành những lời tốt đẹp nhất để kể về người thủ trưởng, người tiền nhiệm của mình. Ông kể: Sau ngày 30-4-1975, non sông liền một dải, đất nước ta vừa có hòa bình vừa đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh, bởi mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch và phản động. Từ các cuộc xâm lấn, đánh chiếm một số đảo ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam, Tập đoàn Khmer Đỏ liều lĩnh xua quân lấn chiếm dọc tuyến biên giới từ An Giang đến Tây Ninh, cướp phá của cải và sát hại dân lành. Quân đoàn 3 được lệnh phối hợp chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Kim Tuấn, Quân đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với những thành tích và công lao đặc biệt, Thiếu tướng Kim Tuấn được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Ngày 20-12-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Công Tiến, tức Kim Tuấn. Tên tuổi của ông được vinh danh trong tập “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) biên soạn và ấn hành năm 2001. Năm 2012, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cho ra mắt cuốn sách “Chân dung vị tướng Anh hùng, liệt sĩ Kim Tuấn”.

“Cuối năm 1978, Thiếu tướng Kim Tuấn được cấp trên điều động về Bộ Tổng Tham mưu nhận công tác mới. Công việc bàn giao xong, ông về TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị ra Bắc. Nhưng lúc này, tình hình ở biên giới Tây Nam căng thẳng và phức tạp. Là người chỉ huy sáng tạo, giàu kinh nghiệm chiến trường, ông được cấp trên yêu cầu quay lại Quân đoàn. Thiếu tướng Kim Tuấn chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Sau này, sự hy sinh của ông trên chiến trường K cũng để lại nhiều day dứt, tiếc nuối”-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hồi nhớ.

Đáp lại lời kêu gọi của Nhân dân Campuchia, với tình cảm quốc tế cao cả, trong sáng, mùa xuân năm 1979, với sức mạnh áp đảo, Quân đoàn 3 vượt chặng đường 600 km, giải phóng 6 tỉnh phía Bắc và Tây Bắc, góp phần giải phóng đất nước chùa Tháp. Nhớ lại sự hy sinh anh dũng của Thiếu tướng Kim Tuấn, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: Trong chiến dịch truy quét lớp tàn quân, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đánh chiếm và làm chủ các căn cứ trọng yếu Tà Sanh nằm ở tỉnh Battambang giáp với Thái Lan. Trước trận đánh, Tướng Kim Tuấn giao tôi trở lại Siem Reap để thu quân, bàn giao Sư đoàn 31 cho Bộ Quốc phòng để làm nhiệm vụ khác, còn ông sẽ ở lại Battambang để chỉ đạo, tham gia chiến dịch truy quét tàn quân Pol Pot. Dù tôi cùng nhiều chỉ huy các đơn vị cho rằng Tư lệnh Kim Tuấn phải về Siem Reap, nhưng ông nhất quyết không nghe. Ông cho rằng, đây là trận đánh lớn, người Tư lệnh cần phải khảo sát chiến trường và sát cánh cùng anh em.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: V.H

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: V.H

Sau một đỗi trầm ngâm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể: “Để bảo vệ an toàn cho thủ trưởng, chúng tôi đề nghị ông sử dụng xe bọc thép, nhưng ông từ chối. Sáng 16-3-1979, ông ngồi trong một chiếc UAZ đi kiểm tra mặt trận, khi đến Phum Tốc (cách Battambang khoảng 40 km), một phát súng B40 từ trên núi bắn xuống, trúng xe của ông. Tư lệnh Kim Tuấn bị thương nặng, trực thăng cấp cứu đã chở ông về Sân bay Pochentong, sau đó bay tiếp về Sân bay Tân Sơn Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ ra sân bay cùng 2 ê kíp cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, Tư lệnh Kim Tuấn đã qua đời. Điều chúng tôi khâm phục nhất đó là trước lúc hy sinh, thủ trưởng đã nhận hết trách nhiệm về mình và đề nghị không kỷ luật hay nhắc nhở cấp dưới, để anh em yên tâm chiến đấu. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự bao dung của người chỉ huy cấp cao”.

Nói về người cha của mình, Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà-nguyên Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội-tâm sự: “Cả cuộc đời cha tôi đều dành cho binh nghiệp. Thời gian tôi gặp cha chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi rất tự hào về cha. Nhiều câu chuyện về cha tôi được đồng chí, đồng đội kể lại như những mảnh ghép để chúng tôi hiểu về cha mình hơn”.

Có thể bạn quan tâm