Phóng sự - Ký sự

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Khoét núi, ngủ hầm, giằng co từng mét chiến hào

Những ngày tháng 5 lịch sử, tôi may mắn được gặp Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, ông còn là một người lính trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Với Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là điều ý nghĩa nhất mà tuổi trẻ của ông có được. Và, ông đã cống hiến trọn vẹn bầu nhiệt huyết, lý tưởng sáng ngời của một chàng thanh niên yêu nước, sẵn sàng ra mặt trận đánh trận quyết tử với kẻ thù.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc (đứng giữa hàng thứ 2 từ trên xuống) cùng Đại đội pháo binh đánh đồi C1.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc (đứng giữa hàng thứ 2 từ trên xuống) cùng Đại đội pháo binh đánh đồi C1.

Năm ấy, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc 21 tuổi, được giao trọng trách là Đại đội trưởng Đại đội 56, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chỉ huy đại đội bộ binh pháo gồm 9 khẩu cối 81 ly và 3 khẩu pháo không giật DKZ 57 ly đi theo sát bộ binh, chiến đấu kiên cường suốt 31 ngày đêm trên đồi C1 và C2.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với trận đánh mở màn tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Sau 4 ngày chiến đấu, quân ta đã kết thúc thắng lợi đợt 1. Đợt tiến công thứ hai mới là đợt dài ngày, gay go, ác liệt nhất. Trong đợt tiến công này, Trung đoàn 98, trong đó có Đại đội 56 “bộ binh pháo” của Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm C1. Đồi C1 là cứ điểm trọng yếu, cùng với A1 và C2 nằm gần nhau, địch lấy đó làm khu phòng ngự then chốt ở cửa ngõ phía Đông khu trung tâm Mường Thanh.

17h ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu. Pháo binh ta bắn mạnh vào sở chỉ huy de Castries, các cứ điểm A1, C1, D1 và đồi E, các trận địa pháo binh và quân cơ động của địch. Trên đồi C1, 30 trái lựu pháo 105 ly của mặt trận và hàng trăm quả đạn cối 81 ly của Đại đội 56 do Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc chỉ huy cùng với cối 60 ly của tiểu đoàn bộ binh đã giáng đòn sấm sét xuống đầu quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh của Trung đoàn 98 nhanh chóng mở cửa đột phá, xung phong đánh địch, tiêu diệt và bắt sống 140 tên thuộc Tiểu đoàn 1 lính Morocco, chiếm được cứ điểm C1 sớm hơn 45 phút so với thời gian mà Trung đoàn trưởng Vũ Lăng đã hứa với Đại tướng, Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp.

Sau khi hoàn toàn làm chủ đồi C1, Trung đoàn 98 lệnh cho các đơn vị nhanh chóng củng cố lại lực lượng, cải tạo và đào mới công sự, chuẩn bị mọi mặt đề phòng địch phản kích. Trong khi đó, tại đồi A1, cuộc chiến giữa ta và địch vẫn đang diễn ra ác liệt. Ngày 9/4, lực lượng nhảy dù tăng cường, có pháo binh, xe tăng, máy bay yểm hộ, địch tiến hành phản kích lớn từ C2 đánh sang nhằm chiếm lại C1. Do dự kiến được tình huống đó nên Trung đoàn 98 đã có phương án chủ động đánh trả địch ngay từ đầu rất quyết liệt.

Riêng hỏa lực súng cối 81 ly của Đại đội 56 phải hoàn thành hai nhiệm vụ. Một mặt phải bắn tập trung mãnh liệt vào khu “yên ngựa” (ngọn đồi hình yên ngựa) phá vỡ đội hình phản kích của địch, cùng với hỏa lực các loại của pháo binh, bộ binh tạo thành một lá chắn lửa. Kết quả đã diệt được nhiều sinh lực địch, bẻ gãy các đợt xung phong của chúng. Nhiệm vụ thứ hai, Đại đội 56 phải sẵn sàng khi có lệnh hoặc yêu cầu của bộ binh, kịp thời di chuyển hỏa lực bắn vào cột cờ trên đỉnh C1, chế áp tiêu diệt địch khi chúng đột nhập vào trung tâm phòng ngự của ta.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc và chiếc kèn Harmonica năm xưa ông đã thổi trên đồi C1.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc và chiếc kèn Harmonica năm xưa ông đã thổi trên đồi C1.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc kể, nhiệm vụ thứ hai này là gian nan nhất với đại đội của ông, bởi phải làm sao cản diệt được địch mà không sát thương quân ta khi cả ta và địch đều rất gần nhau. Khó khăn là thế nhưng lại không thể thiếu hỏa lực pháo cối theo lệnh của Trung đoàn. Chính lúc đó, Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc và anh em nghĩ ra cách “bắn ôm nòng” đã phát huy được tối đa tính ưu việt của hỏa lực cầu vồng diệt địch ở địa hình có nhiều “góc chết”. Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc đã cho 2 khẩu 81 ly lên đồi C1 bỏ hết bàn và chân lại, để một pháo thủ lấy vai đỡ và tay ôm nòng, một pháo thủ khác bắn với góc gần 90 độ phóng đạn vào đội hình địch. Kết quả là đạn nổ đều ở cự ly rất gần, cách bộ binh ta chỉ khoảng 100 m.

Bằng cách đánh “ôm nòng pháo”, sau 2 ngày, trận địa đã phát huy được thế mạnh, đại đội “bộ binh pháo” cùng lựu pháo đã kịp thời chi viện rất hiệu quả cho bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đánh bại nhiều cuộc phản kích của chúng vào cứ điểm C1 mà ta đã làm chủ.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc kể, trong những ngày đầu phản kích, đã có thời điểm địch vào được trung tâm phòng ngự của ta và chiếm lại được cột cờ trên đỉnh đồi C1. Tại đây, những trận đánh giáp lá cà diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch quần nhau, giành giật từng tấc đất, từng ụ súng, từng mét chiến hào. Có lúc bộ binh yêu cầu Đại đội 56 bắn ngay vào cột cờ, nơi đó địch bố trí một khẩu đại liên rất lợi hại. Cột cờ là mốc phân chia giới hạn, địch chiếm nửa đồi phía cao, ta chiếm nửa đồi phía thấp. Tại đây, hỏa lực pháo binh súng cối sẽ nhận những yêu cầu cấp bách và rất khắt khe. Đại đội 56 vừa phải đảm bảo chế áp tiêu diệt địch ở khu vực cột cờ, vừa phải đảm bảo an toàn tối đa cho bộ binh.

Tiếng kèn trên đồi C1

Trong 31 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, đấu súng giằng co với quân Pháp trên đồi C1, 75% quân số Đại đội 56 của Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc đã hy sinh, 6 cán bộ chỉ huy thì chỉ còn lại 2 người. Để cổ vũ tinh thần cho đồng đội, những lúc im tiếng súng, ông đã dùng cây kèn Harmonica, món quà mà người chú ruột tặng từ thời đi học, để thổi những ca khúc như "Vì nhân dân quên mình", "Chiến sĩ ca", "Làng tôi", "Qua miền Tây Bắc"... Từ đây, cơ duyên đưa ông vào lực lượng địch vận, thổi kèn cho lính Pháp chiếm đóng trên đồi C1 nghe.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc hồi tưởng: “Một người bạn học của tôi là chính trị viên Vũ Hoài Chương tình cờ gặp Đại đội trưởng Đội Tuyên truyền địch vận của mặt trận, đã đưa anh ấy đến gặp tôi. Lúc ấy, các anh bên địch vận đang gặp khó khăn, loa địch vận mỗi lần phát là một lần bị lính Pháp trên điểm cao C1 bắn xối xả, mất tác dụng. Thế là tôi được giao thêm nhiệm vụ thổi các bản nhạc, bao gồm cả nhạc nước ngoài, qua loa điện, xen kẽ trong buổi phát thanh. Ngay tối đầu thử nghiệm, kết quả thật tốt đẹp. Khi loa của ta vừa phát, quân Pháp bắn ra xối xả, nhưng khi giai điệu tha thiết của bài "One Day When We Were Young" (thường gọi One Day - Khúc hát thanh xuân của nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss II) và những khúc nhạc Tây thời đó vang lên thì tiếng súng thưa thớt dần”.

Bài “One Day” có nội dung rất trong sáng, thuần khiết với hàm ý rằng một ngày nào đó, thế giới của chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp, khi người với người sống để quan tâm và yêu thương nhau. Đây là một bản nhạc mà khi lắng sâu vào nghe nó giống như là một bản nhạc cổ điển, giai điệu êm dịu, rất phù hợp với tâm trạng của những người đang yêu, những đứa con xa gia đình. Chính điều này đã làm cho lính Pháp dịu bớt đi cái đầu nóng, giảm một phần nhuệ khí chiến đấu và muốn trở về nhà.

Thế là, đêm sau và các đêm sau nữa, tiếng súng từ quân địch cứ vơi dần. Chính điều đó đã góp phần động viên bộ đội ta nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm C1 trong ngày tổng tiến công.

Bản nhạc “One Day” vẫn luôn được ông lưu giữ, để ghi dấu về tiếng kèn địch vận trên đồi C1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bản nhạc “One Day” vẫn luôn được ông lưu giữ, để ghi dấu về tiếng kèn địch vận trên đồi C1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Ông từng học nhạc Tây chưa mà thổi được bài nhạc nước ngoài hay như vậy?”, tôi hỏi Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc. Ông nở một nụ cười hồn hậu, đôi mắt sáng rực lên: “Tôi chưa từng học qua trường lớp âm nhạc nào, kể cả nhạc Việt Nam. Chỉ là tôi yêu thích âm nhạc từ ngày còn đi học, tôi thường đàn hát cho các bạn trong trường nghe. Mọi thứ đều tự mày mò cộng thêm chút năng khiếu nữa. Tôi cũng không ngờ khi ấy tiếng kèn địch vận của mình có hiệu quả đến vậy. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều đó”.

Một tay súng, một tay kèn, trong 31 ngày đêm, ông và đồng đội đã chiến đấu không biết mệt mỏi trên đồi C1. Cho đến trước ngày 1/5/1954, ta và địch vẫn chỉ dừng lại ở vị trí lấy cột cờ làm mốc. Số phận của C1, A1, C2 được định đoạt trong đợt tiến công thứ ba và kết thúc vào ngày 7/5, khi lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng de Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi.

Buổi chiều lịch sử ấy, Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc đứng trên đồi C1 nhìn rõ từng hàng cờ trắng của lính Pháp nối nhau ra hàng. Ông không dám hô to, vì sợ vẫn còn quân địch ở phía sau nhưng trong lòng dậy lên một cảm xúc không thể diễn tả bằng lời. Toàn thân ông run lên, nhìn đồng đội vừa cười, vừa khóc. Một sự sung sướng đến nghẹt thở cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc. “Chúng tôi ôm nhau nhảy múa, đấm vào nhau thùm thụp đến nỗi đấm cả vào vết thương của nhau. Đó là thời khắc mà cả cuộc đời này tôi không bao giờ quên được”, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc chia sẻ.

Sau 70 năm, những người lính Điện Biên năm xưa đã già vì tuổi tác, đại đội pháo binh bây giờ chỉ còn lại một mình Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc. Cho dù đã qua thời chinh chiến, đã qua những ác liệt của đạn bom, trong ông, bầu trời trong veo với những cánh chim tự do vẫn luôn là khát vọng hòa bình.

Có thể bạn quan tâm