Phóng sự - Ký sự

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.

Huyện có 13 xã đặc biệt khó khăn

Trong chuyến công tác lên Điện Biên lần này, chúng tôi được gặp, tiếp chuyện anh Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy trẻ tuổi của huyện Điện Biên Đông để nghe anh kể về quá trình đưa điện lưới quốc gia về 100% bản làng của huyện. Anh Mùa A Vảng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng trẻ nhất hiện nay.

Các cơ quan chức năng, cùng ngành điện lực của huyện Điện Biên Đông nỗ lực kéo điện về các bản

Các cơ quan chức năng, cùng ngành điện lực của huyện Điện Biên Đông nỗ lực kéo điện về các bản

Trên cung đường gần 50km ngoằn ngoèo, uốn quanh núi rừng trùng điệp từ TP Điện Biên Phủ đến Huyện ủy Điện Biên Đông, anh Mùa A Vảng kể, huyện có 14 xã, 1 thị trấn; nhưng có đến 13 xã đều là xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cao. Quy mô hoạt động của các thành phần kinh tế trên địa bàn còn nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp…

Do vậy, cùng với các chính sách đầu tư của nhà nước, huyện cố gắng phát huy nội lực phát triển hạ tầng, đặc biệt là quyết tâm kéo điện về tất cả các bản trong năm 2024, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Và đây cũng là mục tiêu của huyện để chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Thông thường, người ta giúp đồng bào thoát nghèo bằng cách “cho cá” hoặc “trao cần câu”. Nhưng ở Điện Biên Đông, chúng tôi không trao cho dân cá, cũng không trao “cần câu” mà trao đồng bào “mồi câu”. Việc xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia như “mồi câu”, nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, dân trí, để người dân tự vươn lên thoát nghèo”, anh Mùa A Vảng chia sẻ.

Từng là huyện “đội sổ” trong bảng xếp hạng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia của tỉnh Điện Biên, nhiều năm liền, lãnh đạo các cấp của huyện trăn trở, làm sao để đồng bào có điện, có điện mới mong thoát được đói nghèo.

Giai đoạn 2016 - 2021, huyện Điện Biên Đông xác định mục tiêu phấn đấu năm 2021, 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia. Nhưng khi phê duyệt, trình danh mục chỉ được tỉnh ghi vốn cho 25/37 bản, do không bố trí được nguồn lực.

Có điện nhiều gia đình đầu tư máy móc, tự động hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp

Có điện nhiều gia đình đầu tư máy móc, tự động hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp

“Trước những khó khăn về nguồn vốn, chúng tôi đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung đầu tư kéo điện về các bản. Nhưng đến năm 2023, huyện vẫn còn 7 bản chưa xác định được nguồn vốn.

Trước khó khăn đó, chúng tôi rà soát lại toàn bộ các danh mục đầu tư công, điều chỉnh lại các danh mục, nguồn vốn từ những dự án hiệu quả thấp sang dự án điện nông thôn”, ông Mùa A Vảng chia sẻ.

Dù “liệu cơm, gắp mắm” bằng nhiều cách làm sáng tạo để có nguồn lực kéo điện về cho dân, nhưng đến hết năm 2023, vẫn còn 18 bản, 5 cụm bản chưa có điện lưới quốc gia và chưa xác định được nguồn vốn. Trong khi, mục tiêu đề ra 100% thôn, bản sẽ có điện trong năm 2024 đúng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Để có nguồn vốn hoàn thành mục tiêu, huyện đã chủ động xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh được kết nối, vận động hỗ trợ nguồn từ UBND TP Hồ Chí Minh và được thành phố nhất trí ủng hộ 50 tỷ đồng để Điện Biên Đông thực hiện xóa bản “trắng” điện lưới ở các bản, cụm dân cư rất thưa người”, ông Mùa A Vảng cho hay.

Để kịp thời đón đầu sự hỗ trợ ấy, huyện đã sớm hoàn thành các thủ tục, phê duyệt danh mục công trình đầu tư điện lưới trên địa bàn huyện. Sau một thời gian, phấn đấu, quyết tâm, huyện Điện Biên Đông đã có hệ thống điện sinh hoạt đồng bộ tại 39/39 bản, hoàn thành mục kéo điện về các bản trong năm 2024”, ông Mùa A Vảng vui mừng nói.

Hạnh phúc của nhân dân

Nói thêm về quyết tâm để toàn dân huyện Điện Biên Đông được sử dụng điện, anh Mùa A Vảng chia sẻ: “100% dự án đưa điện lên các bản vùng cao đều được thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân “chung lưng đấu cật”.

Chúng tôi thành lập các tổ công tác, phân công đảng viên gương mẫu đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân hiến đất khi đường điện đi qua nương rẫy. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị khảo sát, tư vấn, thiết kế phải tìm ra giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn và tránh tối đa các diện tích đất rừng, đất nương rẫy đang canh tác của bà con”.

Học sinh được học tập dưới ánh điện sáng

Học sinh được học tập dưới ánh điện sáng

Chúng tôi đến bản Pá Chuông - Pá Dên, xã Na Son được chứng kiến sự đổi thay của bản làng nơi đây và cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân.

Ông Tòng Văn Chum, Trưởng bản cho biết: Bản đã thành lập hơn 40 năm, nhưng đến nay mới được hưởng ánh sáng của điện lưới quốc gia. Khi chưa có điện, cuộc sống của người dân bản khó khăn vì vừa lo đi làm, vừa phải lo kiếm củi đun, kiếm củi bán lấy tiền mua dầu thắp đèn cho con cháu học hành.

Chung niềm vui như người dân bản Pá Chuông - Pá Dên, cuối năm 2023, 81 hộ dân ở hai bản Tồng Sớ và Ao Cá, thuộc xã Pú Hồng mừng khôn xiết khi hai trạm biến áp Tồng Sớ và Ao Cá hoàn thành, cung cấp điện sinh hoạt cho người dân.

Ông Mùa Giống Vàng, xã Pú Hồng cho biết, bản Tồng Sớ, Ao Cá cách trung tâm huyện những 70km, không có điện cuộc sống của người dân rất khó khăn vất vả. Ngày công nhân điện lực đóng điện, cả bản vỡ òa vui sướng.

Rời bản Tông Sơ, chúng tôi đến bản Na Su, xã Tìa Dình, là một trong những bản được đóng điện vào dịp gần Tết Nguyên đán 2024. Từ khi có điện, người dân ở đây cũng mua sắm tivi, nồi cơm điện, máy xay lúa. Thậm chí, có nhiều hộ sắm cả tủ lạnh để phục vụ sinh hoạt, nâng cao đời sống. Vàng A Dình (20 tuổi) kể, ngày có điện, cả bản như lên cơn sốt. Nhà nào cũng đài nói, điện sáng suốt đêm.

Và điều có lẽ ý nghĩa nhất khi có điện đó là có internet, mở ra một “trời” thông tin và cách thức làm ăn.

“Có điện, mình lại được dùng mạng (internet), mọi nông sản làm ra được mình đều được người ta đặt mua qua mạng. Tiện lắm, giờ có con gà, con lợn mình đăng lên mạng, sẽ có người đặt ngay và mình mang đến tận nhà cho họ. Bán cách này vừa nhanh, không bị ai ép giá”, A Dình nói.

Vậy nên, có điện không chỉ đơn thuần là để thắp sáng, để phục vụ sinh hoạt, sản xuất mà sẽ giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp cận nhanh hơn với các chính sách của Đảng, nhà nước.

Anh Mùa A Vảng cho biết, khi điện hóa được 100% thôn bản, năm 2024, huyện Điện Biên Đông phấn đấu hoàn thành thắng lợi các tiêu chí, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 33,58 triệu đồng/năm; tổng giá trị sản xuất 3.169 tỷ đồng/năm. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản 1.782 tỷ đồng; công nghiệp và xây dựng 582 tỷ đồng; dịch vụ 805 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt 951,575 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển 192,287 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,5% trở lên.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm