Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Theo dòng bia mộ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tục trong những ngày cuối tháng Bảy này do ảnh hưởng cơn bão số 4 nên Pleiku mưa dầm dề, phố xá như vắng người hơn những ngày trước đó; ngược lại thị xã An Khê thì không khí mát mẻ, trong lành và có vẻ như tươm tất hơn bởi những con phố sạch đẹp và những băng rôn khẩu hiệu trên đường có nội dung liên quan đến Ngày của thương binh và gia đình liệt sĩ. 

.

Khác với mọi khi, lần này sự sáng kiến của anh quản trang làm cho chúng tôi vào bên trong dễ dàng hơn, sáng kiến ấy là anh viết số điện thoại di động của mình lên cổng nghĩa trang liệt sĩ, nhờ thế mà chỉ đâu 5 phút sau khi gọi, anh đã có mặt đưa chúng tôi vào, không phải trèo tường, vượt rào như mọi khi tôi hay làm vậy để đốt cho đồng đội mình những nén nhang. Mấy chục hàng bia mộ quen thuộc, tôi thắp từng nén nhang cho cả những đồng đội tôi biết và không biết.
 

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Tôi ngồi lâu hơn những ngôi mộ bạn mình thuở trước... Anh Trương Hớn-một chàng trai xứ dừa Bình Định, lên rừng theo cách mạng chỉ mới hơn 3 năm, hôm anh bị biệt kích Mỹ bắn chết chỉ cách nơi đơn vị ở chừng vài cây số. Tiếng súng vừa dứt, máy bay trực thăng nhanh chóng đưa bọn quỷ dữ thoát khỏi cánh rừng, đồng đội đi tìm anh. Anh nằm lại với mảnh đất ấy khi tuổi đời chỉ tròn 19.

Nằm bên anh Hớn là Trịnh Văn Đào- người cùng tuổi và cùng quê với anh Hớn và là “một cặp bài trùng”, khi còn sống bất kể khi nào có điều kiện thì họ lại ở bên nhau. Anh Đào may mắn thoát chết từ một trận đánh khác, nhưng để lại trên người anh những vết thương quá nặng và một trong những lần trái gió trở trời anh cũng đã theo đồng đội về đây hồi năm 1992. Đào hơn tôi bốn tuổi nhưng cùng vào Đoàn và vào Đảng một ngày, anh có nước da trắng trẻo, người cao ráo, thường diện một bộ cánh tươm tất, phẳng phiu và đặc biệt hay làm… duyên trước các cô gái. Giữa những lần công tác, thời gian rảnh rỗi anh hay trò chuyện về… lĩnh vực yêu, một đề tài không bao giờ thiếu trong các câu chuyện của những người lính trẻ, cho dù bom đạn, giặc giã và cái chết luôn rình rập cận kề chúng tôi. Một “học trò” thủy chung của những câu chuyện ấy của Đào là tôi.

Mười bảy tuổi, ở quê anh đã có những thôn nữ cho riêng mình-anh bảo thế rồi đôi mắt đen nhánh với hai hàng mi dày và dài cong vút như con gái cứ nhấp nha nhấp nháy, chẳng biết anh đùa hay thật về chuyện chỉ của riêng mình ấy mà đem ra bộc bạch cùng những thằng em. Và cho dù “khó khăn lắm với chuyện yêu trong cùng đơn vị”, thế mà anh cũng cố tìm cách “sở hữu” cho mình một chị xinh xinh. “Chết chóc biết sẽ đến với mình khi nào, vậy nên anh mày phải tìm nguồn tự động viên cho mình chứ”, anh bảo vậy khi tôi-một bí thư chi đoàn (nhưng dưới con mắt của anh, bí thư chỉ là chú nhóc đáng yêu và tin cậy), cho rằng chuyện yêu thật là không thể, là ảnh hưởng tư tưởng, phân tán công việc, có thể không hoàn thành nhiệm vụ và dễ bị… phát hiện, và như thế thì chuyện kỷ luật là đương nhiên, nhưng may mà anh không vướng vào cái vế sau tôi nói.

 

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Nơi huyện đội An Khê đóng quân là phía sau dãy Hảnh Hót, bạt ngàn rừng già và dày đặc những con suối bốn mùa nước trong xanh mát rượi, chim và thú hoang rất nhiều, đặc biệt là các loài heo, man, chồn, thỏ, nai, hổ, các loài như voọc, vượn, khỉ sống từng đàn, khi vắng người chúng vào tận bếp ăn của chúng tôi lôi cả đồ đạt ra phá; không xa nơi chúng tôi ở là làng Chơ Gang của người Bahnar, cái làng luôn theo sát những nơi mà các đơn vị bộ đội đóng quân như hình với bóng, họ cũng ở trong rừng, cũng bí mật chuyện ăn ở đi lại, cũng đào hầm hào trú ẩn, cũng bố phòng hầm chông cạm bẫy để đề phòng bọn biệt kích thám báo của Mỹ-Ngụy càn quét bố ráp.

Và, ở đấy cũng có những mối tình Kinh-Thượng nảy sinh, được người trong cuộc nuôi dưỡng mà trở thành những câu chuyện tình đẹp một thời, nhưng cũng có chuyện trở thành mối hận, gây bao tai họa cho những người sở hữu nó. “Nhưng thôi, chuyện xa rồi”-một hôm anh Trung Trung Đỉnh bảo vậy; những khi có dịp chúng tôi ngồi với nhau và những câu chuyện tình xưa ấy cứ như những cuốn phim quay chậm hiện ra trước mắt.

Thương binh, Đại tá, nhà văn đã về hưu mà vẫn còn nuối tiếc với nghiệp văn nên giờ anh Đỉnh vẫn đảm trách với tư cách người đứng đầu của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, rỗi được ít ngày là tính chuyện đi Tây Nguyên, đi được rồi thì không muốn về lại thủ đô, làng bản và đồng đội, kẻ còn người mất đều như ai cũng níu chân anh. Nhiều hôm trắng đêm với những câu chuyện không đầu không cuối, chúng tôi như trẻ lại với thời gian vui buồn xưa cũ ấy. Một hôm tôi đem chuyện của người còn sống thầm kể cho các anh đã nằm lại và giờ đang hiện hữu tên tuổi của các anh nơi nghĩa trang liệt sĩ ở An Khê này.

Anh Lê Tùy- một đội trưởng đội công tác vũ trang của An Khê và cũng là một trong những người “có tuổi” trong đám lính “tý hon” chúng tôi, được biết sự hy sinh của anh là do một cơ sở mật phản bội. “Nói” với anh hôm ở nghĩa trang, tôi nhắc lại những câu chuyện đầy cảm động về mình mà anh đã từng chia sẻ với tôi, nơi xa lắc chắc anh đã nghe thấy, hôm anh vĩnh viễn xa lìa chúng tôi là lúc anh tròn tuổi ba mươi, tháng mười-sau mười tháng Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam-1973. Thế đấy, sự tàn ác của kẻ thù là vậy cho dù theo lý thuyết thì hòa bình đã được vãn hồi kể từ sau ngày Hiệp định có hiệu lực, nhưng chúng nào có hiểu, cố tình không chịu hiểu mà vẫn càn quét, đánh phá, giành đất, giành dân, cắm cờ, tìm cách gây hấn, chống lại hòa bình.

Và bao anh chị, bao đồng đội tôi nữa, người mất người còn…

*
Mỗi lần về rồi mỗi lần chia tay các anh, chia tay vùng đất đầy gian lao mà anh dũng ấy-vùng đất có một thời người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ chọn làm nơi dựng nghiệp, tôi như kẻ còn nhiều duyên nợ. Mấy năm gần đây, An Khê-nơi xưa các anh ngã xuống giờ đã có nhiều đổi thay, từ nông thôn đến thành thị đã thật sự thay da đổi thịt, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình trong diện chính sách đời sống cũng đã khấm khá hơn. Tuy vậy, vẫn còn hàng trăm gia đình và bản thân họ-những bạn bè, đồng đội tôi ở đây một thời, cuộc sống đang còn túng bấn, vẫn biết chuyện lo cho họ là trách nhiệm không của riêng ai, nhưng mỗi chúng ta vẫn thấy mình như là người có lỗi…

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm