Phóng sự - Ký sự

Có một tình yêu biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau những ngày bị cuốn theo các lễ hội, từ biển, tôi lại nghĩ đến bao điều...Một ông cụ đi biển mỗi ngày trong năm. Có hôm đi thật sớm để về kịp rước con dâu đầu.

Ông cụ nghiện biển từ khi còn rất trẻ. Một giảng viên đại học, bước ra khỏi giường là nghĩ đến biển, kể cả mồng Một Tết. Vì sao vậy? Anh nói: Tình yêu làm sao giải thích được “vì sao”…
Còn ở phía khơi xa là lòng kiêu hãnh vượt lên bão tố của hàng vạn ngư dân đang bám biển bằng một tình yêu khác.

Với danh hiệu là 1 trong 10 bãi biển hàng đầu châu Á, biển Mỹ Khê là điểm đến không thể bỏ qua của người dân, du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc, con người và đất nước Việt Nam. Ảnh: ST

Với danh hiệu là 1 trong 10 bãi biển hàng đầu châu Á, biển Mỹ Khê là điểm đến không thể bỏ qua của người dân, du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc, con người và đất nước Việt Nam. Ảnh: ST

1. Trên biển từng sớm mai, có hàng trăm người, đủ mọi tầng lớp, màu da. Khách du lịch mũi cao mắt xanh. Những cô gái, chàng trai Sài Gòn, Hà Nội, khu 4, khu 3. Cả khách mang nhiều quốc tịch theo làn sóng du lịch… Những cụ già nằm chôn vùi dưới cát ẩm để chữa bệnh. Mấy cán bộ lớn tuổi đã nghỉ hưu. Có nhiều người còn đương chức. Một anh hay bơi cùng tôi là đầu bếp một nhà hàng chuyên nấu đám cưới. Mấy chị giáo viên. Một anh thợ sửa đồng hồ ở cùng xóm... Đủ mọi tầng lớp. Có người lái ô-tô, người đi xe máy, xe đạp. Có người chạy bộ từ nhà mỗi sớm... Tất cả đến biển như bày tỏ một tình yêu.

Họ nhào xuống biển, ôm lấy những đợt sóng. Chẳng phân biệt ai là ai. Cũng như tình yêu, trước biển, mọi người bình đẳng.

Một chị sáng nào cũng đi nhặt rác trên bãi, dù không phải công nhân. Có người hỏi sao tốn công vậy, chị nói thiệt thà: "Để đừng làm hư biển!".

Câu nói tình cờ của chị khiến tôi nhớ cách đây mấy năm tôi đưa nghệ sĩ Kim Cương đi dự một lễ khởi công khu du lịch gần Hội An. Lúc đó mấy người phụ nữ đi nhặt cây rau vịt trên cát về làm thuốc cũng nói: "Làm gì thì làm, chớ đừng làm hư biển của bà con tui!". Chị Kim Cương nghe vậy, sửng sốt: "Họ tuy nghèo và chất phác nhưng câu nói của họ chứa nhiều ý nghĩa quá!".

Nhà thơ Ý Nhi từ miền Bắc về lại miền Trung sau năm 1975, bỗng nhìn thấy từ trong cát của những bãi biển thoắt ẩn thoắt hiện dọc đường cái quan suốt miền Trung:

Trong cát ấy có mẹ cha có bao nhiêu trẻ nhỏ

Có chồng con của bao người góa bụa......

Nhưng họ đã thành những hạt cát dưới chân

Thành miền đất chói ngời trên biển sóng.

Trước mắt thi sĩ, biển vừa là hoài niệm nhưng còn là một cảnh báo, dự cảm... Bởi tình yêu của mẹ là không thiên vị nên biển cũng chẳng dành riêng cho một ai, cả sự hoan lạc lẫn khổ đau!

Anh Huỳnh Văn Mười - một ngư dân ở Mân Thái đã dày công giữ lại từng cái đèn bão, những mãnh lưới cũ, cái thẻ “ngư phủ” của cha anh và nhiều hiện vật khác, như các tư liệu Hán Nôm từ xưa, với tham vọng làm một bảo tàng nghề biển của làng cổ Mân Thái. Cái giọng nói dân miền biển thô ráp, mộc mạc không che được ánh mắt như rang đỏ lên khi nói về các dự định của mình. Tôi đã không thể hỏi anh, đó là vì cái gì trong suốt thời gian quen biết!

Sau những lễ hội, người ra biển thưa thớt hơn. Các nữ công nhân môi trường và nhân viên các đội cứu hộ nay dễ thở hơn. Họ có thể mở khẩu trang ra cười nói cùng nhau hoặc trao đổi với vài người quen biết. Rồi lát nữa, sau ca làm việc, họ sẽ đi về trong một bộ cánh khác, tươm tất hơn trên những chiếc xe máy. Nhưng trong lúc làm việc, trông họ thật vất vả. Họ nhặt nhạnh từng mẫu túi ni-long, bao xốp đựng thức ăn, những hộp giấy, vỏ lon nước ngọt… mà đêm qua quý nam thanh nữ tú đã vô tình bỏ lại. Rồi các bãi tắm sẽ tinh tươm sau đó, khi chúng ta bước những bước chân đầu ngày ra bơi lội. Họ không nói một lời, cặm cụi làm tròn phận sự. Đừng hỏi họ có yêu biển không, cũng như đừng nên hỏi người bạn gái của mình rằng: “Em có yêu anh không?”.

Tình yêu nhiều khi không bằng lời! Tôi chợt nhớ một câu hát đâu đó như vậy!

2. Tôi có cuốn "Ngư ông và biển cả" (The old man and the sea) bản của NXB Ngày Nay in năm 1964 cách nay tròn 60 năm. Đó là một trong những cuốn sách quý không phải ở ngày tháng nó được Bảo Sơn dịch và được một NXB danh giá như Ngày Nay ấn hành, nhưng ở chỗ đây là cuốn hay nhất của Hemingway mà tôi từng đọc liên quan đến biển cả.

“Papa” Hemingway có nhiều câu hay về biển và ngư dân từ những độc thoại của ông già Santiago, nhân vật chính của cuốn sách. Đại loại như: "Đôi khi ta giết một con cá không phải vì mưu sinh, mà chính vì lòng kiêu hãnh, vì ta là ngư dân..." . Những ngư dân của xã Bình Minh nằm lại biển khơi sau cơn bão Chanchu có lẽ sẽ được an ủi phần nào khi biết có những câu văn như vậy, và như những câu sau này: "Nghĩ tới biển, ông già bao giờ cũng gọi biển là La Mar, cái tên bằng tiếng Y Pha Nho người ta đặt cho biển khi người ta yêu biển vì biển là phụ nữ...”; hoặc đoạn này nữa: "Đi biển không nói thừa những lời vô ích, càng ít lời càng được coi là đức tính tốt...".

Chiến đấu với loài cá mập tấn công vào thuyền từng bầy, đến kiệt sức, nhưng ông già Santiago luôn dặn mình, thay vì đọc kinh: "Chiến đấu với chúng nó cho đến khi mình chết thì thôi!"... Những câu nói đó phải chăng cũng chính là tâm hồn những ngư dân chúng ta trước giông bão của lòng phản trắc và hiểm nguy hôm nay!

Bìa quyển sách "Ngư ông và biển cả" bản của NXB Ngày Nay in năm 1964 cách nay tròn 60 năm. Ảnh: T.Đ.T

Bìa quyển sách "Ngư ông và biển cả" bản của NXB Ngày Nay in năm 1964 cách nay tròn 60 năm. Ảnh: T.Đ.T

Đọc "Ngư ông và biển cả" tôi còn luôn bị ám ảnh bởi câu độc thoại khi Santiago nhìn lũ cá mập đang giương oai diễu võ quanh thuyền ông, với ý chí của mình sẽ phải giết được chúng, dù ông đôi lần tự nhủ: "Cái gì đẹp đều ngắn ngủi!". Nhưng lão ngư Santiago yêu biển đến cuồng nhiệt trong một độc thoại bất tử: "Biển là giống cái, là phụ nữ, là Mẹ...".

Anh bạn tôi, Huỳnh Văn Mười - một ngư dân ở Mân Thái đã dày công giữ lại từng cái đèn bão, những mãnh lưới cũ, cái thẻ “ngư phủ” của cha anh và nhiều hiện vật khác, như các tư liệu Hán Nôm từ xưa, với tham vọng làm một bảo tàng nghề biển của làng cổ Mân Thái. Cái giọng nói dân miền biển thô ráp, mộc mạc không che được ánh mắt như rang đỏ lên khi nói về các dự định của mình. Tôi đã không thể hỏi anh, đó là vì cái gì trong suốt thời gian quen biết!

3. Ra biển mỗi ngày, đôi khi ta thấy biển như cứ thay đổi luôn. Từ màu sắc phía chân trời và bãi cát dưới chân. Trời nắng, bãi biển phẳng lì; mây xanh trôi lãng đãng, sóng nhỏ nhẹ lăn tăn trên những triền cát mịn. Nhưng hôm trời mưa, sóng lớn, bãi cát bỗng chuyển mình thành những dốc cao. Có chỗ nước phá ra thành một dòng kênh sâu. Phía chân trời là những cột mây dựng đứng, thỉnh thoảng lóe lên những vệt lửa và tiếng giông ì ầm. Đó chính là tiếng sấm đất "chớp bể mưa nguồn" như người xưa từng nói, báo hiệu mùa biển động, báo hiệu thiên tai.

Năm nay một người bạn ở biển từ nhỏ dặn: “Năm nào có gió Nam nghịch thì cuối năm đó thời tiết sẽ khắc nghiệt, mưa bão bất thường!” Anh kể, tháng Chín âm lịch trở đi, biển thường đón hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Ì ầm sóng dữ. Có những ngọn sóng cao đến năm, sáu mét. Lúc này vẫn có nhiều người đi biển. Họ nghiện biển. Một anh trung niên kể, ngày nào, dù mưa gió anh đều có mặt, kể cả mùng Một Tết. Một anh khác kể, hôm đám cưới con trai, tám giờ đi rước dâu, nhưng vợ chồng anh vẫn tranh thủ đi tắm như thường ngày, tuy có sớm hơn một chút. Tôi có anh bạn thân là giảng viên đại học cũng vậy, sáng nào cũng có mặt lúc mặt trời chưa mọc. Sóng lớn thì đi bộ trên mép nước, thay vì xuống bơi. Anh nói, mở mắt ra là nghĩ đến biển, không giải thích được! Có ai giải thích tình yêu đâu?

Còn ở phía khơi xa là lòng kiêu hãnh vượt lên bão tố của hàng vạn ngư dân đang bám biển bằng một tình yêu khác. Tôi và người bạn giáo viên dạy Văn vô tình cùng nghĩ về điều đó nhiều hơn là tham gia vào câu chuyện sau giờ tắm.

Vào những ngày mưa bão cuối năm, biển có sóng lớn. Nhiều người ngồi nán lại chỗ tắm nước ngọt, uống trà và tán phét chờ biển sáng lên một chút. Sự thay đổi của sắc màu và hình thế bãi bờ mỗi ngày nên cứ hấp dẫn ta. Như Hemingway nói, biển không thể làm khác đi sự giận giữ chỉ vì đôi khi con người đã xử tệ với biển. Con người cư xử không đàng hoàng nên thời tiết thất thường và biển cũng đổi tính nết... “Mẹ ta vẫn yêu ta đấy chứ! Tình yêu đó có thay đổi đâu! Chỉ có ta hư hỏng, lười nhác, phá phách làm mẹ giận. Biển cũng vậy! Ta dùng nhiều quá nhiên liệu hóa thạch tàn phá tầng ozon, ta phá rừng, giết muôn thú làm thay đổi hệ sinh thái và làm tan băng ở các cực địa cầu. Bão càng ngày càng hung tợn. Và biển giận như mẹ giận ta vậy!”, anh giáo viên nói một hồi, như không muốn dừng lại. Như là anh vừa bị ai đó làm tổn thương!

Tôi đứng lên khỏi bàn và bước ra bãi tắm. Chân trời tháng Năm phía khơi xa đã ửng sáng. Bức tượng Phật bà Quan âm bên phía Bãi Bụt, lưng chừng dãy Sơn Trà vẫn còn sáng dưới ánh đèn pha hiện lên như một hình tượng hiền từ và bao dung. "La Mar", biển trong tiếng Y Pha Nho là giống cái, là phụ nữ, là Mẹ. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến Papa Hemingway và những câu độc thoại bất tử của lão ngư Santiago trên biển...

Có thể bạn quan tâm