Phóng sự - Ký sự

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 1: Nhát cuốc đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay gần TP.HCM, Dầu Tiếng là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn nước nông nghiệp cho miền Đông Nam Bộ, đặc biệt còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cực kỳ quan trọng cho hàng triệu dân TP.HCM và vùng lân cận.

Cố Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát dặn dò trong ngày khởi công hồ Dầu Tiếng - Ảnh tư liệu
Cố Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát dặn dò trong ngày khởi công hồ Dầu Tiếng - Ảnh tư liệu

Là một trong những thanh niên xung phong của huyện Đức Huệ, Long An được điều sang xây dựng hồ Dầu Tiếng, tôi vẫn ngỡ ngàng khi trở lại. Hồ đẹp quá và vô cùng cần thiết cho cuộc sống hàng triệu người dân.

Ông Lê Minh Hạ (cựu TNXP)

Hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á này đã được tạo dựng thế nào trên vùng đất điêu tàn hậu chiến? Một trong các công trình kỳ vĩ nhất miền Nam được "giải mật" sau đúng 35 năm.
Ngày 29-4-1981, tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), cố Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đã bổ nhát cuốc đầu tiên, khởi công xây dựng hồ Dầu Tiếng.
Nhát cuốc của quyết tâm
Hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chính thức được "khai sinh". Ngay sau đó, hàng trăm ngàn người đã được huy động làm đường kênh dẫn nước - các "mạch máu" của hồ Dầu Tiếng.
"Ngày khởi công vui lắm. Ai cũng háo hức, hăng hái vì hi vọng nước sẽ về" - ông Đặng Hồng Phước (Út Ru), 71 tuổi, một trong hàng ngàn người dự lễ khởi công, nhớ lại. Khu vực lễ khởi công ngày ấy giờ nằm cách tỉnh lộ 784 chừng 200 mét, gần cầu kênh N4. Con đường gồ ghề đất cứng, lởm chởm đá sỏi cho xe bò đi ngày nào giờ chính là kênh N4 nước xanh trong chảy quanh năm. Ngoài lực lượng trực tiếp đào kênh, hàng ngàn người dân Truông Mít cũng vui mừng đến xem lễ.
Sau khi đọc diễn văn giao nhiệm vụ cho tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Tấn Phát cầm cuốc bổ nhát đầu tiên xuống đất. Vị trí đó giờ nằm lọt trong lòng kênh N4. Đứng bên dòng kênh này, ông Út Ru nhớ lại: "Ông Huỳnh Tấn Phát giơ cuốc lên cao rồi bổ xuống mặt đất. Cú bổ quá mạnh xuống mặt đất khô cứng, làm cuốc bật tưng trở lại. Bà con hò reo, vỗ tay rần rần. Thường thì ở lễ khởi công chỉ cần bổ nhẹ nhát cuốc tượng trưng, nhưng cố Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đã dùng hết sức lực giáng cuốc, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu" - ông Út Ru vẫn chưa quên.
Ngày đó, ông Út Ru là chỉ huy trưởng công trường thủy lợi Dầu Tiếng của xã Truông Mít, cùng với cả trăm thanh niên xung phong trong xã trực tiếp tham gia đào 2km kênh N4. Trong ký ức của mình, ông Út Ru còn nhớ thuở ấy Truông Mít là xã nghèo, sáu tháng mùa khô, ruộng vườn hầu như bỏ hoang vì không có nước. Đất khô cứng, nứt nẻ làm lọt cả bàn chân người đi.
Ngày nay, ruộng đồng Truông Mít xanh tươi mát mắt. Cây lúa, gốc nhãn đều tràn nhựa sống. Vịt chạy đồng tóe nước. Từ kênh N4, nước chảy vào các kênh nhỏ, đổ vào mương nội đồng, đưa nước tận gốc lúa, gốc nhãn... Từ khi có nước chảy trong kênh xã, cuộc sống người dân đổi thay từng ngày. "Bây giờ trong xã không còn hộ nào phải ở trong nhà tranh, vách đất" - ông Út Ru vui vẻ nói.
Phó chủ tịch UBND xã Truông Mít Nguyễn Văn Hiếu cho biết hiện xã có 1.200ha cây ăn trái, trong đó có loại nổi tiếng, có chỉ dẫn địa lý như nhãn "Ido". Sắp tới, một vùng chuyên canh cây trái cây lâu năm của xã sẽ hình thành. Một trong những lý do đi đến quyết định để hình thành vùng chuyên canh này là nhờ có nguồn nước dồi dào quanh năm từ hồ Dầu Tiếng. Gần 1.000 ruộng lúa Truông Mít bất kể mùa nào, nước từ hồ Dầu Tiếng chảy vào cũng lấp xấp chân.

Ông Út Ru xúc động mô tả lại công việc ngày xưa bên dòng kênh xanh N4 từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ông Út Ru xúc động mô tả lại công việc ngày xưa bên dòng kênh xanh N4 từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng - Ảnh: ĐỨC TRONG
Nhường đất cho hồ Dầu Tiếng
Ngược dòng thời gian, để lòng hồ Dầu Tiếng có diện tích 27km2 tích nước, năm 1982 hàng ngàn hộ dân của xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu đã nhường nương rẫy, di dời nhà đến nơi ở mới. Phần lớn họ là người từ TP.HCM và các tỉnh thành khác đến đây làm "kinh tế mới" sau ngày thống nhất đất nước. Họ chuyển đến vùng đất mới của hai xã Truông Mít và Bến Củi - cách xã Lộc Ninh "lòng hồ" khoảng 20km. Địa phận của xã Lộc Ninh ngày ấy giờ đã nằm lọt trong lòng hồ.
"Tôi nhớ rõ cha mình cầm giấy thông báo di dời về nhà và nói với mọi người chuẩn bị mà không phàn nàn gì" - bà Lê Thị Ngọc Điệp (60 tuổi), một người dân di dời, nhường đất cho lòng hồ, hồi tưởng lại. Gia đình bà phải giải tỏa trắng, trả lại cho Nhà nước hơn 2ha đất khai hoang.
Sau gần 35 năm, bà Điệp vẫn còn giữ những "chứng tích" ở xã Lộc Ninh "lòng hồ". Đó là giấy khai sinh của người con gái Nguyễn Thị Lan Phương ghi ngày 17-11-1982, tại xã Lộc Ninh, được ông Võ Văn Cơ thay mặt UBND xã đóng dấu. Đó cũng là tờ đơn xin cấp đất của ông Lê Thanh Liêm (công tác tại Liên hiệp công đoàn Tây Ninh), anh trai bà Điệp. Bà Điệp cho biết lúc đó anh trai bà được điều đi học, nhà đất phải nhường cho lòng hồ, nên ông Liêm đã viết đơn xin cấp đất mới cho gia đình trước khi đi học. Lá đơn này được ông Liêm ký ngày 29-8-1982.
Tại xã Lộc Ninh mới, người dân di dời từ lòng hồ về được cấp đất canh tác, dựng nhà. Gia đình bà Điệp cũng được cấp 3,5ha đất trồng mì. "Ngày đó, khi chưa có nước Dầu Tiếng, một năm chỉ trồng được một vụ mì vì khô hạn. Còn giờ trồng mì mà dư nước tưới luôn" - bà Điệp vui vẻ nói.
Nhắc đến lợi ích hồ Dầu Tiếng, bà Điệp tự hào vì có một phần đóng góp của gia đình mình trong đó. "Nhờ có hồ Dầu Tiếng mà ngày nay người dân sống khấm khá, trong đó có gia đình tôi" - bà Điệp tâm sự thêm ngay sau khi hồ Dầu Tiếng cấp nước vào năm 1985, mọi người đều nhận ra việc mình di dời, nhường đất làm lòng hồ là đúng đắn.
Đúng 35 năm sau, trò chuyện với chúng tôi, những người từng xây dựng hồ thủy lợi Dầu Tiếng đều tâm sự rằng ngay vị trí bổ nhát cuốc đầu tiên tại xã Truông Mít rất cần có một tấm bảng ghi công xây dựng với những thông tin như: thời gian thi công, tổng số người, các đơn vị tham gia và tầm quan trọng, các thông số kỹ thuật của hồ. Ông Trần Việt Biên (Bảy Biên), nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (đã nghỉ hưu năm 2001), trải lòng: "Rất cần một tấm bảng như vậy để cho thế hệ hiện tại và mai sau biết việc làm của cha anh mình".
Hồ thủy lợi cực kỳ quan trọng
Hồ Dầu Tiếng hình thành do đắp chặn ngang sông Sài Gòn. Vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông này trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ có dung tích chứa hơn 1,58 tỉ m3 nước (tương ứng ở mực nước bình thường 24,4m), với diện tích mặt nước 270km2, diện tích lưu vực là 2.700km2.
Hiện nay, nước từ hồ Dầu Tiếng tưới trực tiếp cho khoảng 76.000ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, Long An, mỗi địa phương khoảng 12.000ha. Đồng thời hồ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM với lưu lượng gần 44m3/s ...
--------------------------
Được Ngân hàng Thế giới cho vay ưu đãi hơn 100 triệu USD xây dựng, nhưng quá trình thi công ban đầu của đại công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng gặp nhiều trở ngại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là "niềm tin có nước" bị đặt câu hỏi.
Kỳ tới: Những "rào cản" ở Dầu Tiếng
ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm