Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 3-7, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp. Sự kiện này một lần nữa khẳng định sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền trong tỉnh đối với doanh nghiệp, nhất là sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.



Nhiều lĩnh vực tăng trưởng

Tại hội nghị, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở KH-ĐT-cho biết: “Thời gian gần đây, Gia Lai luôn được ghi nhận là tỉnh đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp lên hàng đầu. Điều đó thể hiện ở việc các cấp chính quyền, ngành chức năng luôn hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính như: tư vấn thủ tục đầu tư miễn phí, hỗ trợ cấp phép trong thời gian nhanh nhất, hướng dẫn trình tự thực hiện các quy trình đầu tư cũng như cùng doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật”.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành (bìa phải) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành (bìa phải) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T



Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 57 dự án được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, khảo sát. Trong đó, 18 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát; 32 dự án đang hoàn thiện các thủ tục và 7 dự án đang được tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các thủ tục đăng ký để được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt 12 dự án điện mặt trời với tổng công suất 805 MWp và 66 dự án điện gió với công suất 9.375,4 MW; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát 43 dự án điện gió với tổng công suất dự kiến đạt 6.061 MW.

Bên cạnh đó, có 25 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1.122 tỷ đồng (tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm 2019); 102 dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư 9.200 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên đáng kể. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) cho biết: “6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 515 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2019) với tổng vốn 4.235 tỷ đồng. Hiện số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 6.373 với tổng vốn đăng ký 98.990 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã cấp đăng ký thành lập 529 đơn vị trực thuộc như: chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đã có gần 70 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động”.

Đầu tư điện mặt trời áp mái còn vướng

Gia Lai là một trong số ít địa phương trên cả nước có độ bức xạ nhiệt cao, thuận lợi để phát triển dự án điện mặt trời. Cùng với đó, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 22-5-2020) đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, phần lớn dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh lại đang bị vướng thủ tục liên quan đến đất đai.

PC Gia Lai triển khai đấu nối các dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Hà Duy
PC Gia Lai triển khai đấu nối các dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Hà Duy



Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư phản ánh về những khó khăn, vướng mắc. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic-bức xúc: “Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái kết hợp chăn nuôi tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai) với công suất 1 MWp. Theo quy định, đất để triển khai dự án điện áp mái thuộc mục đất nông nghiệp khác. Trong khi hầu hết đất mà nhà đầu tư được cấp hoặc nhà đầu tư tự nhận chuyển nhượng là đất trồng cây lâu năm. Do đó, buộc phải qua 2 công đoạn là chuyển mục đích sử dụng qua đất trồng cây hàng năm, rồi chuyển sang đất nông nghiệp khác. Nghĩa là vừa tự hạ thấp giá trị của đất, vừa nhiêu khê cho doanh nghiệp. Chưa kể, cấp huyện trả lời là chưa có trong quy hoạch sử dụng đất, tạo rào cản đối với nhà đầu tư. Tôi cho rằng, UBND tỉnh cần có văn bản chỉ đạo cho các địa phương lập danh sách đăng ký di biến động về đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án”.

Cùng ý kiến, ông L.Đ.T. (một nhà đầu tư điện mặt trời áp mái đề nghị giấu tên) cũng cho rằng: Hầu hết các nhà đầu tư bị vướng chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất trồng cây hàng năm, rồi chuyển sang đất nông nghiệp khác. Tại nhiều địa phương, diện tích đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp khác đã có đăng ký từ trước, trong khi việc đăng ký đất trồng cây nông nghiệp khác là do nhu cầu của nhà đầu tư quyết định. Theo quy định, các dự án điện mặt trời áp mái trên các công trình sử dụng đất nông nghiệp dưới 1 MWp thì phải đầu tư trên đất nông nghiệp khác. Vì vậy, UBND tỉnh cần sớm tháo gỡ vướng mắc này, vì hạn chót để điện năng lượng mặt trời áp mái được hưởng giá bán ưu đãi là ngày 31-12-2020”.

Còn theo ông Hoàng Thanh Tùng-Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79 (huyện Phú Thiện) thì: “Chúng tôi muốn triển khai dự án chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Phú Thiện. Trong quá trình làm hồ sơ khảo sát dự án, doanh nghiệp đã thực hiện mọi công đoạn đều rất rõ ràng nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường lại yêu cầu thực hiện lại việc đánh giá tác động môi trường. Điều này sẽ làm tốn thời gian của nhà đầu tư 1-2 tháng. Chúng tôi mong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý để doanh nghiệp sớm triển khai dự án”.

Vấn đề này, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: “Kế hoạch sử dụng đất của huyện được lập từ tháng 12-2019. Sau khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư ồ ạt đề nghị được đầu tư điện mặt trời áp mái nên Sở cũng không lường trước được để đưa vào quy hoạch của huyện. Sở cũng đã có 2 văn bản yêu cầu huyện tập hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất và HĐND cấp huyện thông qua, sau đó Sở trình cho UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ”.

Về tác động môi trường, ông Bình thẳng thắn trả lời: “Các doanh nghiệp khi đề nghị đầu tư dự án, tỉnh sẽ cho chủ trương đi khảo sát chứ chưa cho chủ trương đầu tư. Vì vậy, những báo cáo đánh giá tác động môi trường thời điểm đó chỉ là ban đầu, khi triển khai dự án, chúng tôi yêu cầu đánh giá lại; đồng thời, xem trong diện tích đất định triển khai dự án có đất của đồng bào dân tộc thiểu số hay không để đảm bảo đất sản xuất cho người dân. Các doanh nghiệp ở nơi khác tới đề nghị đầu tư tại tỉnh thường nhờ vào thông tin chưa đầy đủ từ các đơn vị tư vấn. Chưa kể, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu trên, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo cân bằng nguồn nước tưới cho người dân, vì tỉnh không đánh đổi kinh tế với môi trường”.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã rất cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp. Hàng tuần, lãnh đạo tỉnh cùng với giám đốc các sở, ngành tổ chức họp để nghe các địa phương báo cáo những khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời xử lý. Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công khai thông tin về pháp lý đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng, đấu thầu... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

 Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với các doanh nhân bên lề hội nghị. Ảnh: Đ.T
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với các doanh nhân bên lề hội nghị. Ảnh: Đ.T


Theo dự kiến, trong quý IV-2020, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và tọa đàm kết nối đầu tư tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là cơ hội để Gia Lai đón nhận thêm làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp.



Tuy vậy, trong quá trình đầu tư dự án vẫn còn những “điểm nghẽn”. Trong đó, một số dự án chậm triển khai thực hiện do nhà đầu tư không bố trí đủ nguồn lực tài chính, huy động vốn chậm. Quá trình lập các thủ tục pháp lý, nhà đầu tư chưa chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, lập hồ sơ chưa đảm bảo, kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn còn nhiều quy định chồng chéo nên việc triển khai các dự án cũng gặp khó khăn kéo dài. Một số dự án triển khai trên đất chưa giải phóng mặt bằng, do đó ảnh hưởng đến tiến độ.


“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp, tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết, chủ động khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Sở KH-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về những khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; đôn đốc, phối hợp với các cơ quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ đôn đốc các nhà đầu tư triển khai dự án đúng quy định, kiên quyết xử lý các dự án không triển khai thực hiện đúng nội dung cam kết”-ông Hồ Phước Thành khẳng định.
 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm