Rác thải và hành vi xả rác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rác thải là một phần tất yếu của đời sống con người. Nó là mối hiểm họa cho con người và môi trường. Tuy nhiên hành vi xả rác của con người lại là điều cần quan tâm hơn hết.

Thành phố Pleiku (Gia Lai) đã là đô thị loại II mà lẽ đương nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng phải được nâng lên. Vậy mà Pleiku vẫn chưa xanh- sạch- đẹp, rác vẫn còn nhiều và nhiều người còn xả rác vô tội vạ, vô ý thức.

Rác đổ cạnh Quảng trường 17-3. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Rác đổ cạnh Quảng trường 17-3. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng

Dạo quanh TP. Pleiku, đâu đâu cũng thấy rác. Rác ở chợ. Rác ở đường phố. Rác ở công sở. Rác ở trường học. Rác ở công viên. Những nơi ấy đều có công nhân vệ sinh thu dọn nhưng rác vẫn đầy, dọn không xuể. Hãy ra công viên, quảng trường và một số nơi công cộng khác sẽ được chứng kiến tận mắt. Người lớn đi dạo, hóng mát, trẻ con thả diều chạy nhảy thật hồn nhiên, vô tư... và cũng vô tư, hồn nhiên thả những bao bì, giấy gói bánh kẹo, chai nước xuống công viên xinh đẹp. Những hàng quán giải khát, ăn uống… ngày đêm trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… cũng là tụ điểm sản sinh ra rác. 

Trong các quán ăn, người ta cũng vô tư xả rác. Các loại giấy tái sinh làm giấy lau miệng, lau bát đũa cứ thả tràn lan. Nhiều quán đã đặt sọt rác dưới chân bàn nhưng thực khách lại thích xả rác ra ngoài, có gì chủ quán dọn(!). Rõ ràng hành vi xả rác bừa bài đã ăn sâu vào tập tính, thói quen của người ta rồi. Các trường học cũng không có gì khá hơn. Mặc dù nhà trường, thầy cô giáo dục, bảo vệ nhắc nhở nhưng đâu vẫn hoàn đấy, cả sinh viên các trường chuyên nghiệp, cao đẳng. Nhiều trường học đã đặt thùng rác khắp nơi trong khuôn viên trường nhưng các cô cậu chẳng mấy khi bỏ rác đúng vị trí.

Phổ biến nhất là trên các tuyến xe khách. Chủ xe thường trang bị cho hành khách các túi ni lông để ói mửa khi say xe. Thứ rác kinh dị ấy được các nhà xe đường dài bỏ vào sọt rác trên xe, còn các xe nhỏ thì thường vứt ngay xuống lòng đường. Sự ô nhiễm thế nào từ loại rác ấy thì ai cũng rõ. Đáng trách nhất là hành vi của người cầm gói rác ô uế ấy thả xuống đường phố đông người qua lại mà không chút đắn đo.

Những hành vi xả rác bừa bãi vừa nêu phản ánh một tình trạng đáng lo ngại: Người dân chưa ý thức tác hại của rác và chưa có ý thức bảo vệ môi trường cộng đồng. Rác ngoài đường là chuyện của xã hội, có nhà nước lo. Tâm lý ấy lâu dần thành một thứ bệnh mãn tính khó chữa khỏi. Bên cạnh đó, việc xử phạt của các cơ quan chức năng chưa nghiêm nên lâu ngày nó như một thứ bệnh nhờn thuốc.

Đã đến lúc cộng đồng phải chung tay để giải quyết vấn nạn này. Phê phán, nghiêm trị hành vi xả rác bừa bãi. Giáo dục cho mọi người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Hãy giáo dục, uốn nắn trẻ con từ nhỏ về các thói quen và hành vi vứt rác đúng chỗ. Ở trường, ngoài những bài học lý thuyết, cần rèn luyện nhiều hơn nữa thói quen giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Những người có trách nhiệm, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên những nội quy bảo vệ môi trường.

Nguyễn Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm