Kinh tế

Gia Lai: Khuyến cáo người dân chọn mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin: Từ ngày 1-7, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ xử lý vi phạm đối với những trường hợp người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, mới đây Bộ Công an đã chính thức lên tiếng, cho rằng đó chỉ là “sự hiểu nhầm của dư luận”.

Trong khi đó, tại Gia Lai đa số những người tham gia giao thông nhưng đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn đều cho rằng chưa nắm được thông tin về những diễn tiến này.

Tuyên truyền nhắc nhở là chính

 

Nhiều người tham gia giao thông không sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhiều người tham gia giao thông không sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Ảnh: Nguyễn Giác

Ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường tại TP. Pleiku, tình trạng người tham gia giao thông đội MBH không đạt chuẩn; mũ thời trang, mũ lưỡi trai bằng nhựa mỏng (không phải MBH) khi lưu thông bằng xe máy vẫn còn rất phổ biến.

Chị Lê Xuân Hiền (tỉnh Kon Tum), kế toán của một doanh nghiệp ở TP. Pleiku tỏ ra bất ngờ không biết loại MBH dạng mũ lưỡi trai mà chị đang đội không phải là mũ bảo hiểm vì không đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, chị Hiền thừa nhận việc đội mũ bảo hiểm chất lượng và đạt chuẩn thì sẽ đảm bảo an toàn cho chính mình khi tham gia giao thông. Sau khi được lực lượng Cảnh sát Giao thông hướng dẫn cách lựa chọn mũ bảo hiểm phải có nhãn hàng hóa, có tem CR, có đầy đủ các thành phần là vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp), quai đeo…, chị Hiền chia sẻ: “Khi biết được những thông tin này thì tôi sẽ không dùng loại mũ này nữa và sẽ mua ngay một mũ MBH đúng chất lượng như các anh Cảnh sát Giao thông hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho mình”.

 

Giải thích với người tham gia giao thông đây là loại mũ thời trang không phải là mũ bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Giác
Giải thích với người tham gia giao thông đây là loại mũ thời trang không phải là mũ bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Giác

Trao đổi với P.V, Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai-cho biết: Từ ngày 1-7, lực lượng Cảnh sát Giao thông triển khai đồng loạt các hoạt động tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức và nâng cao sự hiểu biết cho người tham gia giao thông về các quy định của Luật Giao thông Đường bộ và các quy định của pháp luật quy định về MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; hình thức, biện pháp, mức độ xử lý đối người tham gia giao thông không đội MBH hoặc đội mũ không phải là MBH; hậu quả, tác hại, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc không đội MBH hoặc đội mũ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
 

Mũ dỏm, chỉ cần tác động một lực nhẹ là vỡ toác. Ảnh: Nguyễn Giác
Mũ dỏm, chỉ cần tác động một lực nhẹ là vỡ toác. Ảnh: Nguyễn Giác

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông còn tăng cường tuyên truyền cho người tham gia giao thông cách nhận biết và phân biệt mũ MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy; mũ không phải MBH (không có đủ 3 lớp: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong, quai mũ), không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Giao thông cũng sẽ tổ chức ký cam kết sử dụng MBH đúng quy chuẩn tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội.

Vẫn còn mũ kém chất lượng

Nhằm kiểm tra tình trạng mua bán MBH không đảm bảo chất lượng trên địa bàn, tại TP. Pleiku, chiều 3-7, Đội Quản lý Thị trường số 1- Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại một số cửa hàng kinh doanh MBH trên đường Hùng Vương (TP. Pleiku) thì đa số các cửa hàng này đều không kinh doanh các loại MBH kém chất lượng. Chị Nguyễn Thị Hiền-chủ cửa hàng Thu Hiền (84 Hùng Vương)-khẳng định: Trong thời gian gần đây khách hàng đến mua đã có sự lựa chọn rất kỹ, nhiều khách hàng còn bắt chị viết phiếu bảo hành, bắt xác nhận MBH phải đảm bảo chất lượng thì họ mới mua.

 

Còn anh Dương Quốc Đạt-chủ cửa hàng MBH Hương Giang-cho rằng: Mũ “dỏm” đa phần ít giá trị, có bán cũng không có lời, cửa hàng của anh chủ yếu bán các loại MBH đạt chất lượng, mũ chính hãng. Theo anh Đạt, chỉ một số người bị mất mũ trong lúc cần gấp thì họ mới mua mũ thường, mũ dỏm, chứ đa phần họ đều lựa chọn những MBH chất lượng.

Ngoài các cửa hàng thực hiện tốt cam kết về kinh doanh MBH đạt chất lượng thì vẫn còn một vài nơi ở khu vực Trung tâm Thương mại TP. Pleiku bày bán các loại mũ nhựa kém chất lượng không phải MBH. Tại điểm bán trên góc đường Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Thiện Thuật, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn loại MBH kém chất lượng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, đội kiểm tra đã tịch thu toàn bộ số hàng trên để xử lý. Giải thích về việc bán những loại MBH kém chất lượng này, anh Trần Văn Thanh-chủ cửa hàng chia sẻ: Vẫn biết là mình bán mũ kém chất lượng nhưng vì số hàng còn nhiều nên cố bán cho hết để chuyển sang buôn bán mặt hàng khác.

 

Tịch thu các mũ bảo hiểm dỏm, không có giấy tờ. Ảnh: Nguyễn Giác
Tịch thu các mũ bảo hiểm dỏm, không có giấy tờ. Ảnh: Nguyễn Giác

Nói về việc kiểm tra, xử lý MBH không đảm bảo chất lượng, ông Lê Huy Vinh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường-cho biết: Thực tế, qua kiểm tra lực lượng Quản lý Thị trường phát hiện nhiều trường hợp các cơ sở kinh doanh cố tình lách luật bằng cách bày bán một bên là MBH đúng chuẩn, một bên là các loại mũ thời trang không phải là MBH, đồng thời kiểm tra trên hóa đơn cũng thấy ghi rõ là mũ thời trang nên rất khó xử lý.

“Trong khi đó, vấn đề chọn MBH như thế lại nằm về phía người tiêu dùng, một số người dân vẫn cho đây là mũ bảo hiểm, giá rẻ chỉ từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/mũ trong khi MBH đúng quy chuẩn thì phải từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/mũ. Đối với những loại mũ thời trang, chúng tôi không thể tịch thu, tiêu hủy vì chưa có những hướng dẫn xử lý cụ thể đối với những trường hợp này mà chỉ có thể khuyến cáo người dân chọn mua những MBH đạt theo tiêu chuẩn”-ông Vinh bức xúc.


 

Minh Triều-Nguyễn Giác

Cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Cảm giác đầu tiên khi cầm mũ thật là rất chắc chắn, các chi tiết sắc nét, khi đội ôm đầu và khá thoải mái. Có dán tem hợp quy CR, đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, lô gô được dập ở hầu hết các chi tiết của mũ như vỏ, lớp xốp, quai mũ.

Vỏ mũ làm bằng nhựa tốt, dày, cứng, nhựa ABS, nhựa PVC, bề mặt nhẵn mịn, khó vỡ ngay cả khi va đập, thường theo những kiểu truyền thống.

Lõi xốp dày dặn và chắc chắn, không bị lún khi ấn ngón tay vào, thường được dán chắc chắn với vỏ mũ.

Dây quai có nhiều lớp, chắc chắn, chịu lực kéo rất tốt. Khóa mũ và các đai nhựa giữ dây mũ được sản xuất từ nhựa tốt, khi cài và điều chỉnh thì mũ rất ôm vào đầu, một số mũ có thêm miếng cao su ở dưới cằm.

Mũ bảo hiểm thật thường ít có các kiểu mũ thời trang mà chủ yếu tập trung vào loại nửa đầu, 3/4 hoặc cả đầu (full-face). Thường được bày bán trong các cửa hàng có địa chỉ cụ thể, có chế độ bảo hành và cam kết của nhà sản xuất.

Mũ bảo hiểm thật loại có kính chắn gió thì kính sẽ trong, dẻo, có thể chịu uốn cong hoặc thậm chí là chịu được lực dẫm đạp. Khớp nối với mũ chắc chắn, gió mạnh cũng khó làm bật kính.

Có thể bạn quan tâm