Kinh tế

Nhiều hộ dân chặt bỏ cây cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá mủ cao su những năm qua liên tục xuống thấp, thu không bù đắp được chi phí đầu tư nên thời gian qua nhiều hộ dân xã Ia Nhin (huyện Chư Pah) đã chặt bỏ hàng loạt diện tích cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền) để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu… với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

  Vườn cao su của gia đình ông Quang vừa mới chặt xong.  Ảnh: Nguyễn Quang
Vườn cao su của gia đình ông Quang vừa mới chặt xong. Ảnh: Nguyễn Quang

Bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để đầu tư chăm sóc vườn cao su trong thời gian khoảng 6 năm mong mỏi đến ngày nhận quả ngọt nhưng vườn cao su gần 6 ha mới bước vào mùa thu hoạch thứ 3 của hộ ông Lương Văn Sức, ở thôn 3, xã Ia Nhin đành phải chặt bỏ. Ông Sức ngậm ngùi cho biết: “Tôi cũng thấy tiếc lắm, bao nhiêu năm bỏ nhiều công sức và tâm huyết để chăm sóc nhưng giờ đành phải chặt thôi chứ gia đình không còn kiên nhẫn nữa. Giá mủ cao su xuống quá thấp, chi phí thuê nhân công thì lại cao, tiền bán mủ thu về may lắm chỉ đủ trả tiền nhân công. Đó là những ngày thời tiết thuận lợi còn nếu gặp mưa thì coi như lấy tiền nhà ra mà trả”. Theo nhẩm tính của ông Sức, với giá mủ cao su hiện nay khoảng 21 ngàn đồng/kg mủ quy khô thì một công cạo mủ trong điều kiện thời tiết thuận lợi thu khoảng 200 ngàn đồng/ngày, trong khi đó tiền thuê nhân công cũng tiêu tốn từ 180 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng. Do đó, những năm qua, gia đình tôi chủ yếu lấy công làm lời, hai vợ chồng chịu cực, chịu khổ hàng ngày phải dậy từ rất sớm để đi lấy mủ cho vườn cao su nhà mình. Gian khổ là thế nhưng giá mủ cao su vẫn luôn ở mức thấp trong thời gian dài đã làm cạn đi lòng kiên nhẫn của gia đình. Vì vậy, dù vẫn đang trong thời gian cạo mủ nhưng tôi quyết định chặt bỏ để chuẩn bị đất chuyển sang trồng cà phê. Đến thời điểm này tôi đã chặt bỏ khoảng 3 ha, nếu tìm được người mua gỗ với giá chấp nhận được thì tôi sẽ chặt hết-ông Sức cho biết thêm.

Tương tự, mặc dù chưa xác định sau khi chặt bỏ vườn cao su hơn 1 ha thì sẽ chuyển sang trồng loại cây gì nhưng ông Hồ Ngọc Quang, ở thôn 2 cũng đã đốn hạ gần hết. Ông Quang cho biết: “Để lại vườn cao su hàng ngày chịu khó dậy sớm đi lấy mủ cũng có đồng vô đồng ra nhưng giờ con gái đi lấy chồng rồi không có người phụ giúp, mà thuê người làm thì thu không đủ để trả tiền công nên đành chặt bỏ. Như mùa thu hoạch vừa rồi, do không tự lấy mủ được nên tôi phải thuê 1 công để vừa cạo vừa trút mủ, trung bình một tháng tôi phải bù thêm 1,5 triệu đồng để trả tiền công”. Cũng theo ông Quang, khu vực quanh đây có khá nhiều người dân không còn mặn mà với cây cao su, họ đua nhau chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Ông Bùi Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin cho biết: Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người trồng cao su tại địa bàn tiến hành chặt bỏ vườn cao su của gia đình để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu là do giá cao su những năm qua xuống quá thấp. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn xã đã tiến hành chặt bỏ gần 20 ha cao su, chủ yếu là diện tích cao su mới bước vào thu hoạch được 2 đến 3 năm, thậm chí có vườn chưa bước vào thời kỳ thu hoạch.

Cây cao su là cây trồng lâu năm, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 5-6 năm với chu kỳ thu kinh doanh kéo dài hơn 20 năm. Vì vậy, người dân cần tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định chặt phá để chuyển sang trồng loại cây trồng khác, bởi giá cả các mặt hàng nông sản luôn biến động bất thường và khó lường, tránh tình trạng chạy theo thị trường sẽ gây thiệt hại đến kinh tế gia đình. 

Nguyễn Quang

Có thể bạn quan tâm