Kinh tế

Sản xuất hồ tiêu: Nhiều nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá cả và an toàn thực phẩm đang là những vấn đề nóng của ngành sản xuất và kinh doanh hồ tiêu. Điệp khúc "Được mùa mất giá, được giá mất mùa" đối với các loại cây trồng khác trong thời gian qua có thể được lặp lại đối với cây hồ tiêu thời gian đến.

Thu hoạch hồ tiêu.
Thu hoạch hồ tiêu.

Đang bước vào thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch  nhưng việc hồ tiêu liên tiếp rớt giá khiến người trồng tiêu không khỏi e ngại. Sau một thời gian dài luôn đứng ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tăng kỷ lục gần 250.000 đồng/kg, giá hạt tiêu ở nước ta đang giảm khá mạnh. Hiện tại, giá tiêu đen chỉ còn khoảng 160.000 đồng/kg.

Với giá tiêu hiện tại, người trồng tiêu vẫn có lãi. Nhưng điều quan tâm của người trồng tiêu là giá tiêu quay đầu lao dốc có tiếp tục trong thời gian tới hay không và giá hạ đến đâu thì dừng lại? Ông Đỗ Văn Nam (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) nói: Hồ tiêu là cây làm giàu cho nông dân vùng Chư Sê, Chư Pưh lâu nay nhưng việc giá tiêu bắt đầu lao dốc khiến chúng tôi không khỏi lo âu. Còn anh Đỗ Kim Anh (xã Ia Phang huyện, Chư Pưh) cho biết: Giá tiêu hiện tại là mức giá thấp nhất trong khoảng 3, 4 năm trở lại đây.  

Theo Quyết định số 681/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, quy hoạch diện tích cây hồ tiêu đến năm 2015 ở tỉnh ta là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định diện tích này. Thế nhưng, theo thống kê mới nhất của ngành Nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 13.104 ha, vượt hơn gấp 2 lần so với con số quy hoạch của tỉnh. Trong đó, khoảng 8.000 ha hồ tiêu kinh doanh, còn lại là trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hồ tiêu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng giá tiêu xuống thấp  một phần là do thị trường thế giới đã bão hòa. Mặt khác, do lợi nhuận từ cây trồng này mang lại khá lớn nên bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền, người dân vẫn ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu. Bài học khi giá cao su tăng cao nông dân bất chấp tất cả để chuyển sang trồng cao su và hiện nay đang “chết đứng” vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy nông dân trồng tiêu cần cẩn trọng hơn để tránh lặp lại vết xe đổ của các loại cây trồng công nghiệp dài ngày khác như trong thời gian qua. Theo dự đoán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2016, giá tiêu nhiều khả năng còn giảm nữa so với mức giá hiện nay.

Một nguyên nhân cũng khá quan trọng dẫn đến tình trạng này là việc người sản xuất hồ tiêu quá lạm dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật hay sử dụng không đúng cách nên tỷ lệ hạt tiêu không đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta hiện đang khá cao, khiến hồ tiêu khó chiếm lĩnh thị trường ở các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản. Điển hình là hiện nay Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu 8.000-9.000 tấn hạt tiêu/năm, nhưng chỉ mua từ Việt Nam chưa tới 1.000 tấn vì nước ta không đủ nguồn hạt tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà phía Nhật Bản quy định. Một điều đáng lo ngại là việc vận động, thuyết phục nông dân trồng tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đang rất khó khăn. Ông Hoàng Phước Bính-Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, thẳng thắn nhìn nhận: “Chừng nào nông dân trồng tiêu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn bán tốt với giá cao thì việc kêu gọi họ sản xuất tiêu an toàn thực phẩm là cực khó”.

Bên cạnh cà phê, cao su, hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, thay vì mở rộng diện tích, nông dân cần tập trung canh tác theo quy hoạch của tỉnh và các địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu theo hướng bền vững, tránh tình trạng khủng hoảng thừa nguyên liệu.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm