Thời sự - Bình luận

Chất vấn để sáng rõ con đường đi tới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, từ ngày 30-10 đến 1-11, Quốc hội tiến hành chất vấn các bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về những gì mà họ đã làm được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây được xem là “hậu giám sát” việc thực hiện lời hứa với cử tri. Việc chất vấn giữa nhiệm kỳ là để rà soát lại xem các “tư lệnh ngành” đã làm được gì, cái gì chưa làm được và sẽ cam kết gì để giải quyết những bức xúc của cử tri trong thời gian tới.
Chất vấn và trả lời chất vấn trên nghị trường còn là cơ hội tốt để cả Quốc hội và Chính phủ nhìn nhận ra những vấn đề còn tồn tại của từng ngành, lĩnh vực. (ảnh nguồn zing)
Quốc hội dành 3 ngày dành cho chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Ngọc Duy, nguồn zing)
Bây giờ, có lẽ cử tri và nhân dân cả nước đã quá quen với những phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội được tường thuật trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội (người chất vấn) và các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành (người trả lời chất vấn) cũng đã quen dần với cách thức hỏi và trả lời trực tiếp trên nghị trường. Họ cũng biết rằng, mỗi câu hỏi, mỗi câu trả lời đều gắn với hình ảnh, uy tín của mình khi được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri. Chấp nhận “lên sóng” lúc này là chấp nhận sự giám sát công khai của toàn dân. Ai làm được, ai không làm được, ai quyết liệt, ai vòng vo; cái gì vướng mắc tồn tại, đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan… qua lăng kính của dân, mọi thứ đều không dễ gì che giấu.
Đáp ứng yêu cầu này của dân là một trong những điều mà Quốc hội luôn trăn trở, tìm tòi thay đổi. Cứ mỗi kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lại được yêu cầu đổi mới, sáng tạo hơn. Người chất vấn không phải hỏi cho có, hỏi để chứng tỏ tôi có đi họp; người bị chất vấn cũng không phải trả lời qua quýt cho xong mấy phút trong tiêu chuẩn cho phép. Mà việc hỏi-trả lời phải trên tinh thần làm sáng rõ vấn đề, phải làm sáng rõ con đường đi tới phía trước.
Từ kinh nghiệm các kỳ họp trước, lần này, người bị chất vấn không phải chờ nhiều đại biểu hỏi một lượt rồi mới trả lời, mà là hỏi đâu đáp nấy. Đặc biệt, Quốc hội sẽ không chọn “cứng” 4 “tư lệnh ngành” đăng đàn như thông lệ mà các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Nhiều đại biểu hy vọng sự thay đổi phương thức chất vấn tại kỳ họp này sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, vì chất vấn chính là rà soát một lần nữa xem những vấn đề mà cử tri, đại biểu kiến nghị đã được các bộ, ngành, Chính phủ giải quyết như thế nào. Những gì đã giải quyết tốt rồi thì tiếp tục phát huy; những gì mới làm được một phần thì tiếp tục phải nâng chất lượng và giải quyết với tốc độ nhanh hơn. Những gì còn vướng mắc, cần phải tháo gỡ thì tập trung sức lực, trí tuệ để giải quyết cho rốt ráo. Chuẩn bị trả lời chất vấn của Quốc hội là dịp để Chính phủ và các “tư lệnh ngành” rà soát lại tổng thể lĩnh vực mà mình phụ trách, những gì mình hứa với cử tri, hứa trước Quốc hội đã làm đến đâu. Với đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn, đây cũng là dịp để thể hiện trách nhiệm với cử tri và đánh giá tín nhiệm của mình với các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mỗi lần chất vấn là một lần các đại biểu Quốc hội xem xét, rà soát toàn bộ các vấn đề mà từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chất vấn và trả lời chất vấn. Nếu còn nội dung nào chưa được giải quyết thấu đáo thì các đại biểu Quốc hội tiếp tục truy vấn, theo đuổi đến cùng. Cách làm này làm cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên nghị trường thêm sôi nổi, trách nhiệm, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri.
Ai quan tâm lĩnh vực nào có thể đặt câu hỏi ngay với bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đó. Việc này sẽ đáp ứng được những điều cử tri và dư luận xã hội quan tâm hơn là hỏi-đáp những vấn đề do Quốc hội chọn. Đặc biệt, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này được tiến hành ngay sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Những bộ trưởng “đứng đầu” về phiếu tín nhiệm thấp sẽ chuẩn bị tinh thần bị chất vấn nhiều hơn khi lĩnh vực mình phụ trách còn quá nhiều tồn tại, bức xúc cần giải quyết.
Vì vậy, chất vấn và trả lời chất vấn trên nghị trường còn là cơ hội tốt để cả Quốc hội và Chính phủ nhìn nhận ra những vấn đề còn tồn tại của từng ngành, lĩnh vực. Từ đó, có giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao trong thời gian tới tốt hơn.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm