Trước tình trạng ngành tiêu lâm cảnh lao đao vì giá giảm sâu, dịch bệnh hoành hoành, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên đã liên tục khuyến cáo nông dân làm hồ tiêu sạch và đẩy mạnh trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Dù còn nỗi lo về giá thành, đầu ra, nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là hướng đi hiệu quả nhất hiện nay.
Chú trọng cây ăn quả có giá trị cao
Tại Chư Pưh - nơi được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai trước đây, số ít người dân trước đây trồng tiêu đã rời khỏi địa phương đi làm ăn xa. Phần còn lại, họ liều mình thử nghiệm với những cây trồng mới và đang bước đầu cho hiệu quả.
Có thể kể đến mô hình vườn xen canh sầu riêng - cà phê - bơ Booth, lãi 700 triệu đồng/năm của ông Đào Văn Chủy (60 tuổi, trú tại xã Ia Dreng, Chư Pưh). Hay gia đình cựu chiến binh Lê Cường (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) có nguồn thu nhập ổn định nhờ chuyển đổi diện tích hồ tiêu sang trồng đinh lăng xen cây ăn quả. Theo đó, mỗi năm gia đình ông lãi trên 200 triệu đồng nhờ bán đinh lăng, sầu riêng và bơ.
Xen canh các loại cây ăn quả ở vườn tiêu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: T.H
"Bên cạnh việc thâm canh theo hướng bền vững, không mở rộng diện tích thì những vườn tiêu chết nên chuyển sang trồng xen các loại cây ăn quả. Nhưng khi trồng nên bố trí mật độ cây phù hợp để không ảnh hưởng đến cây chính, nhất là phải chú trọng đến đầu ra của sản phẩm”. Ông Hà Ngọc Uyển |
Dù đã có thu nhập ổn định từ các loại cây ăn quả, nhưng bà con vẫn chưa hết lo lắng về đầu ra và tình trạng giá cả bất ổn khi nhà nhà trồng xen cây ăn quả.
Sau cơn mưa kéo dài vào năm 2018, tại huyện Ia Grai đã có hơn 500ha hồ tiêu bị chết. Quá chán nản, nhiều hộ dân không cứu vườn tiêu nữa mà quay sang trồng chanh dây, đáng buồn là chanh dây cũng lâm cảnh “được mùa mất giá”.
Anh Lê Văn Thủy (39 tuổi, làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai) trồng hơn 1ha chanh dây cho biết, năm 2018, chanh được giá thì vườn của anh lại nhiễm bệnh chết hàng loạt. Đến đầu năm 2019, chanh được mùa thì giá lại rớt thảm xuống chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện anh Thủy cũng chẳng biết trồng cây gì ngoài chanh dây.
Ông Nguyễn Phùng Hưng – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia Grai cho biết: “Trước tình trạng tiêu nhiễm bệnh chết đồng loạt kéo dài, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền bà con trồng xen canh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mít… Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, chúng tôi còn chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra giúp nông dân như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; đồng thời thường xuyên tổ chức các phiên chợ nông sản kết hợp du lịch để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Tập trung làm nông sản sạch
Vẫn có nhiều nông dân trung thành với cây hồ tiêu, nhưng bà con đã làm ăn bài bản hơn bằng cách liên kết với nhau sản xuất sạch. Có thể kể đến trường hợp hơn 50 hộ dân tại xã Nam Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) khi cùng nhau thành lập Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang.
Người đi đầu phong trào này là anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết. Anh cũng là người từng tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Singapore” do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Singapore. Tại đây, hồ tiêu của anh được công nhận là “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”, bán được với giá 100.000 đồng/kg, trong khi hồ tiêu bình thường chỉ đạt 50.000 đồng/kg.
Một trong những thành viên của tổ liên kết, ông Trần Quang Sơn (45 tuổi, trú tại thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) cũng đã nghiên cứu thành công máy sấy tiêu sạch (tiêu hữu cơ). “Khi sử dụng chiếc máy sấy tiêu này, màu sắc của hạt tiêu được giữ nguyên. Nhưng để có được màu sắc như vậy, yêu cầu tiêu phải sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Hiện tiêu hữu cơ sau khi đưa vào máy sấy khô được bán với giá 500.000 đồng/kg” - ông Sơn chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Gia Lai cho rằng, hiện tại hồ tiêu vẫn là một trong những mặt hàng nông sản có lợi thế, xác định tham gia xuất khẩu. Do đó, cần cơ cấu lại theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản và chế biến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng năng suất, chất lượng; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với bà con nông dân…
Cũng theo ông Uyển, trong điều kiện giá cả không thuận lợi, việc duy trì năng suất hồ tiêu là một thử thách lớn. Vì vậy, việc trồng tiêu sạch vẫn là xu hướng tất yếu mà nông dân cần thay đổi, theo đó ngành nông nghiệp, Hội Nông dân cần vận động nông dân giảm sử dụng phân bón, tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Theo dự tính, đến năm 2020 toàn tỉnh Gia Lai ổn định diện tích hồ tiêu 15.000ha, năng suất đạt 37 tạ/ha và sản lượng là 55.500 tấn. Ngành nông nghiệp sẽ xây dựng quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, phù hợp với từng địa phương; đề xuất bộ giống hồ tiêu có tính kháng bệnh cao. Mở rộng sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ…
Trần Hiền (Dân Việt)