Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chỉ còn 5.000 chức vụ phải kê khai tài sản hàng năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là một trong những thông tin đáng lưu ý tại họp báo ngày 11/12 công bố lệnh của Chủ tịch nước ban hành 9 luật vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi...
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân sửa đổi
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân sửa đổi
Xác minh ngẫu nhiên tài sản cán bộ
Giới thiệu về Luật PCTN sửa đổi, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, lần này Luật sửa đổi quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác PCTN; đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.
Luật cũng bổ sung căn cứ xác minh theo phương án xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.
Theo ông Thanh, Luật cũng dành một chương riêng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng thời sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Cùng với đó, dành một chương quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Trả lời thêm câu hỏi của báo chí về tính khả thi của việc mở rộng PCTN ra khu vực tư, cũng như khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản hàng năm, bởi thực tế mỗi năm có tới hơn 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ xác minh được vài chục trường hợp, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, luật sửa đổi sẽ khắc phục được tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực Nhà nước bao gồm cả quy định về hành vi, lĩnh vực được điều chỉnh bởi quy định pháp luật hình sự chứ không chỉ áp dụng quy định phòng ngừa đối với các đối tượng nên vẫn đảm bảo yêu cầu chống tham nhũng, không phải chỉ để phục vụ việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về kê khai tài sản, luật sửa đổi lần này yêu cầu tất cả cán bộ công chức, người có chức vụ, quyền hạn và một số nhóm viên chức giữ chức vụ quản lý kê khai lần đầu. Tuy nhiên, việc kê khai hàng năm đã thay đổi theo hướng tập trung vào nhóm đối tượng từ giám đốc sở và tương đương trở lên và một số vị trí quản lý tài chính, tài sản công hoặc thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của người dân. Việc tập trung vào nhóm đối tượng này giúp số lượng bản kê khai hàng năm giảm xuống rất nhiều, chỉ còn khoảng 4.000-5.000.
Luật PCTN sửa đổi gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ 1/7/2019.
Ngành công an có tối đa 199 tướng
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nội dung được quan tâm nhiều nhất trong luật này nằm trong quy định tại Điều 24 về chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND. Theo đó, đã không còn quy định chức danh tổng cục trưởng, mà hệ thống sỹ quan công an chỉ còn có các chức danh: Bộ trưởng; Cục trưởng, Tư lệnh; Giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc T.Ư; Trưởng phòng, Trưởng công an cấp huyện, Trung đoàn trưởng; Đội trưởng, Trưởng công an cấp xã, Tiểu đoàn trưởng; Đại đội trưởng; Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng.
Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang
Cũng tại buổi công bố luật, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Luật xác định rõ vị trí, vai trò của CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển.

Cùng với các luật trên, Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan tới quy hoạch cũng đã lần lượt được công bố.


Điều 24 của luật cũng quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND gồm có: Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an nhưng không quá 6 người. Cấp bậc hàm Trung tướng không quá 35 người; cấp bậc hàm Thiếu tướng không quá 157 người. Riêng với cấp bậc hàm Thiếu tướng có giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc T.Ư ở đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 nhưng không quá 11 người; Phó giám đốc công an TP Hà Nội, TP HCM nhưng không quá 3 người mỗi nơi. Như vậy, số lượng hàm cấp tướng trong lực lượng công an sẽ không quá 199 tướng.
Luật CAND sửa đổi có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cấp nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2019.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng giới thiệu về một Luật khác do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Một vấn đề được quan tâm là thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh số 30 áp dụng từ năm 2000 tới nay. Cụ thể, luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm. Đây là quy định nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Tuy nhiên, nếu thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc thì người đứng đầu cơ quan Nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ ban đầu.
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương, 28 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Hoài Thu (Giao Thông)

Có thể bạn quan tâm