Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai: Dấu ấn cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù còn nhiều khó khăn, song nhiều năm qua, chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Gia Lai vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sáng tác, nghiên cứu văn hóa dân gian. Đa số tác phẩm đều mang đậm dấu ấn của vùng đất cao nguyên. 
Chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS tỉnh hiện có 19 hội viên thuộc các chuyên ngành: Âm nhạc, Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian. Hầu hết hội viên của Chi hội đều là hội viên nòng cốt của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các hội chuyên ngành trung ương, trong đó có 6 hội viên DTTS. Thạc sĩ, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chi hội trưởng chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS tỉnh-cho biết: “Gia Lai là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng về văn hóa, lịch sử, là môi trường thuận lợi để đội ngũ nghệ sĩ của chi hội tìm tòi, khai thác chất liệu sáng tác. Với đề tài chủ đạo là miền núi và DTTS, các tác phẩm mà hội viên công bố đã có tác động tích cực đến bạn đọc, thiết thực góp phần vào việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hiện số lượng và chất lượng hội viên được kết nạp vào chi hội tăng lên qua từng năm”. 
 Quang cảnh đại hội. Ảnh: P.V
Quang cảnh đại hội. Ảnh: P.V
Qua chất liệu được khai thác từ vùng đất Gia Lai, đội ngũ nghệ sĩ đã sáng tác hàng trăm tác phẩm, bài viết. Nhiều tác phẩm vừa thể hiện được sự bứt phá trong tư duy sáng tạo, vừa phản ánh được hiện thực cuộc sống. Mỗi sáng tác hay công trình nghiên cứu đã chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Đó là những pho sử thi đồ sộ, hùng tráng trong các công trình nghiên cứu dày dặn của Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ như: “Sử thi Bahnar tập 1, 2, 3” (năm 2014), “Câu đố Bahnar” (2016), “Sử thi Bok Set phát rừng đá của Yàng” (2017), “Sử thi Diông Sen Gren” (2018), “Nghi lễ thổi tai của người Bahnar, Jrai tỉnh Gia Lai” (2017), 2 cuốn truyện tranh “Sự tích Kông Kah King” và “Sự tích Kon Jrang” (2018). Đó là làn điệu dân ca được truyền giữ bao đời trong cộng đồng các DTTS mà Thạc sĩ, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã dày công sưu tầm, nghiên cứu trong 2 cuốn sách: “Dân ca Jrai”, “Thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Jrai”. Hay là giá trị nghệ thuật và tâm linh của những tượng gỗ dân gian truyền thống trong cuốn sách “Tượng gỗ dân gian các tộc người Bahnar, Jrai” của Thạc sĩ, nhà văn Hoàng Thanh Hương. Ngoài ra còn có nhiều sáng tác mang đậm hơi thở cuộc sống miền núi như tiểu thuyết “Pơ thi” của nhà văn Thu Loan; 2 tập thơ “Phác thảo đêm”, “Nằm nghe lá thở” của nhà thơ Ngô Thanh Vân; tập thơ “Ning nơng” của nhà thơ Phạm Đức Long...
Với khả năng sáng tác dồi dào, đội ngũ nghệ sĩ của chi hội hàng năm đều đem về nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong cả nước. Đó chính là sự tưởng thưởng dành cho những nỗ lực không ngừng trên con đường phát triển văn học nghệ thuật các DTTS. Nhà văn Hoàng Thanh Hương-Chi hội phó chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS tỉnh-chia sẻ: “Chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS  tỉnh thực sự là ngôi nhà chung dành cho các văn nghệ sĩ DTTS và những người quan tâm, dành sự yêu mến cho cộng đồng các DTTS ở địa phương. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, được cùng nhau miệt mài điền dã trong các buôn làng để tìm hiểu và đưa hơi thở cuộc sống vào trong từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm được công chúng đón nhận, được các cấp ghi nhận là nguồn cổ vũ, động viên sâu sắc để chúng tôi tiếp tục vững vàng hơn trên hành trình chuyển tải thông điệp cuộc sống, phản ánh sự nghiệp đổi mới trên quê hương Gia Lai hôm nay, nhất là trong vùng đồng bào DTTS của địa phương”.
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm