Xã hội

Đời sống

“Chìa khóa” thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang trở thành giải pháp thoát nghèo đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh Gia Lai.

Trước đây, gia đình chị Siu Tim (làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) thuộc diện khó khăn do thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Năm 2017, được chính quyền địa phương vận động, chị Tim đã quyết định đi XKLĐ tại Ả Rập Xê Út trong thời gian 3 năm. Chị Tim cho hay: “Với mức lương từ 9 đến 12 triệu đồng/tháng, tôi đã tích góp được tiền để gửi về xây nhà, mua đất sản xuất và mua thêm 7 con bò. Năm 2023, hết hợp đồng lao động, tôi về làng và có vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình tôi là một trong những hộ khá trong làng. Bản thân tôi thì tích cực tham gia trong công tác Hội Phụ nữ để giúp đỡ chị em thoát nghèo”.

Chị Siu Tim (bìa phải, làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) đã mua thêm đất phục vụ sản xuất sau khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: M.K

Chị Siu Tim (bìa phải, làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) đã mua thêm đất phục vụ sản xuất sau khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: M.K

Theo bà Rah Lan H'Nhum-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Dun: Xã có 904 hội viên phụ nữ, trong đó hơn 80% là người DTTS. Với sự hỗ trợ của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, nhiều lao động nữ người DTTS được lựa chọn đi XKLĐ tại Ả Rập Xê Út. Nhờ đó, họ đã kiếm được tiền gửi về cho gia đình trả nợ, làm nhà, mua đất sản xuất… Đa phần gia đình có người thân đi lao động ở nước ngoài đều có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Tính đến cuối năm 2022, huyện Chư Sê có 79 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 5 lao động là người DTTS. Xác định việc đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, chương trình và thành lập Ban chỉ đạo nhằm triển khai có hiệu quả công tác này. “Với mục tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu trung bình mỗi năm đưa trên 70 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chúng tôi nỗ lực tuyên truyền cho người dân cũng như tăng cường hợp tác với những đơn vị XKLĐ đảm bảo uy tín để giúp người dân yên tâm khi tham gia XKLĐ. Chúng tôi ưu tiên những thị trường lao động phù hợp với số đông lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động người DTTS”-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thị Hà cho biết.

Tương tự, gia đình bà Rơ Mah Oat (làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) cũng thoát nghèo nhờ đi lao động nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2018, thông qua giới thiệu của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, bà Oat đã đi XKLĐ tại Ả Rập Xê Út. Sau 3 năm, bà tích góp được tiền trả nợ và đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, tại làng Dơk Ngol còn có 2 hội viên phụ nữ người DTTS sau khi đi XKLĐ về đã có thêm vốn để phát triển kinh tế. Chị Rơ Mah Chi-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Dơk Ngol-cho biết: “Đi XKLĐ có nhiều điểm phù hợp với phụ nữ DTTS như: không đòi hỏi trình độ, bằng cấp, độ tuổi từ 18 đến 40, có đủ sức khỏe, không cần tiền vốn ban đầu. Chị em đi XKLĐ đa phần là phụ việc gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ… với mức lương từ 9 triệu đồng/người/tháng trở lên. Với nguồn thu nhập này, cuộc sống của nhiều gia đình đã thay đổi đáng kể”.

Bà Rơ Ô H'Rin-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đức Cơ-thông tin: Xuất khẩu lao động đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ người DTTS. Hầu hết những người đi XKLĐ đều gửi tiền về để gia đình phát triển kinh tế, mua bò, xây dựng nhà cửa, trả nợ ngân hàng… Để đẩy mạnh XKLĐ, chúng tôi phối hợp tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để hội viên người DTTS biết và chủ động đăng ký tham gia.

Nhờ đi xuất khẩu lao động, nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số mua bò phát triển kinh tế. Ảnh: Mai Ka

Nhờ đi xuất khẩu lao động, nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số mua bò phát triển kinh tế. Ảnh: Mai Ka

Năm 2022, toàn tỉnh có 1.010 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 394,5% so với năm 2021. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ là 704 lao động, trong đó có 43 lao động người DTTS (chiếm 6,11%). Các huyện có số NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao gồm: Ia Grai, Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ. Nguồn kinh phí hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ NLĐ, đặc biệt là lao động người DTTS giảm bớt gánh nặng về chi phí đào tạo, chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: “Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Sở sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ để tạo nguồn đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, mở rộng thị trường lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, quản lý chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định, trong đó, ưu tiên cho đồng bào DTTS nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, gắn liền với mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.

Có thể bạn quan tâm