Phóng sự - Ký sự

Chiếm đất nông trường, chuyện không bình thường ở Ia Pia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2006, Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (Công ty) tiếp nhận Xí nghiệp cà phê Vina (nay là Nông trường cà phê Chư Prông- huyện Chư Prông) thuộc Công ty Dịch vụ xuất nhập khẩu cà phê II do kinh doanh thua lỗ nặng. Sau khi tiếp nhận, công ty từng bước chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh và đưa Nông trường cà phê Chư Prông (nông trường) vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống cho công nhân địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, công ty luôn trong tình trạng lo âu vì tình hình an ninh nông thôn hết sức phức tạp.

Nông trường có 602 ha trồng cà phê, trong đó 567 ha cà phê vối, 35 ha cà phê chè. Nhưng 35 ha cà phê chè đang già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp thuộc diện cải tạo. Công ty đã làm tờ trình và được tổng công ty cà phê Việt Nam duyệt cho chuyển đổi tái canh cà phê vối theo Quyết định số 126/QĐ-HĐTV ngày 31-3-2011. Trong khi chờ thời gian khai hoang phục hoá để trồng tái canh thì bị đồng bào địa phương làng Le Ngó và làng Hát xã Ia Pia chặt phá lấn chiếm, đòi đất để trồng hoa màu.   

Từ ngang nhiên chặt phá cà phê…

Lúc 8 giờ ngày 6-4-2011, tại đội 7, khoảng trên 120 người dân làng Le Ngó xã Ia Pia tổ chức chặt phá vườn cà phê chè của nông trường đòi lại đất để trồng hoa màu. Khi nhận được báo cáo của ban chỉ huy đội 7, lãnh đạo, bảo vệ  nông trường đã có mặt kịp thời để ngăn chặn đồng thời vận động người dân bình tĩnh để giải quyết. Sau đó, Ban giám đốc nông trường Cà phê Chư Prông báo cáo sự việc với UBND xã Ia Pia, UBND huyện Chư Prông và đề nghị chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ can thiệp để giải quyết vấn đề. Mặc dù các cấp chính quyền, mặt trận đoàn thể tuyên truyền, vận động nhưng số người này vẫn không dừng mà tiếp tục chặt phá vườn cà phê. Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, có khoảng thêm 20 người dân địa phương làng Hát 2 xã Ia Pia kéo đến và tiếp tục chặt phá vườn cà phê đã gây thiệt hại 9 ha.
Người dân tụ tập để chặt phá cà phê
Trước tình hình này, UBND huyện Chư Prông đã tổ chức họp dân ngay tại hiện trường lô cà phê bị phá tại làng Le Ngó. Những người tham gia chặt cà phê cho biết do thiếu đất sản xuất đồng thời thấy vườn cà phê chè không chăm sóc nên họ chặt phá lấy đất trồng mỳ, bắp vì diện tích đất này ngày xưa của làng.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 20-4 UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Đào Xuân Liên- Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn đi kiểm tra và chỉ đạo giải quyết sự việc. Sau khi đi kiểm tra thực tế tại hiện trường và thông qua báo cáo của UBND huyện Chư Prông và Công ty, ông Đào Xuân Liên đã kết luận: Yêu cầu UBND huyện Chư Prông chỉ đạo Công an huyện tiến hành điều tra, xác định rõ nguyên nhân, yếu tố dẫn đến chặt phá vườn cà phê của nông trường, trong khi tất cả họ chưa phải đều thiếu đất sản xuất. Phải xử lý nghiêm những người dân chặt phá cà phê để làm gương.
Đồng thời ông Liên nhấn mạnh, thời gian qua Công ty và nông trường chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục công nhân nhận khoán, nhất là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu được quá trình sản xuất, kinh doanh của Công ty, nông trường và ngược lại cần nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của công nhân; trong quá trình chuẩn bị thanh lý 35 ha cà phê chè kém hiệu quả để tái canh nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương, đồng bào địa phương và công nhân biết để khỏi có suy nghĩ là đất bỏ hoang.

Từ đó ông Đào Xuân Liên đã yêu cầu Công ty phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là dân làng Le Ngó, làng Hát xã Ia Pia về chủ trương tái canh của nông trường. Trước mắt chưa đặt vấn đề thu hồi lại 35 ha đất vườn cà phê chè của Công ty để giao cho UBND huyện Chư Prông quản lý, giải quyết đất sản xuất cho nhân dân mà Công ty phải tính toán, giải quyết lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào nhận khoán trên diện tích đất khi tái canh. Nếu không thực hiện tốt thì UBND tỉnh sẽ xem xét xử lí theo đề nghị của UBND huyện Chư Prông.

Thế nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sáng ngày 12-5, có khoảng 170 người dân thuộc 3 làng Le Ngó, Hát 1 và Hát 2 xã Ia Pia tiếp tục chặt phá 6,4 ha cà phê chè của Đội 7, nâng tổng số diện tích cà phê bị chặt phá lên trên 15 ha. Khi xảy ra sự việc, Nông trường Cà phê Chư Prông đã nhanh chóng báo cáo lãnh đạo xã Ia Pia và lãnh đạo huyện Chư Prông phối hợp cùng giải quyết. UBND huyện Chư Prông và xã Ia Pia đã cử đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường để giải quyết vụ việc và sau khi nghe tuyên truyền số người trên mới chịu dừng chặt phá vườn cây cà phê.

Đến ung dung trồng hoa màu

Tưởng chừng mọi chuyện đã lắng xuống khi có đoàn kiểm tra và chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo huyện. Công ty đã hợp đồng để san ủi lấy mặt bằng để trồng cà phê với tổng kinh phí là 480 triệu đồng. Bên cạnh đó, để kịp thời vụ, Công ty cũng đã mua cây giống, phân bón với số tiền gần 500 triệu đồng để khi có mặt bằng liền cho trồng cà phê. Hiện nay đã san ủi được 16 ha, trong đó có 2 ha đã cho đào hố.
Diện tích đất trồng cà phê "bỗng dưng" trở thành đất trồng hoa màu
Trong ngày 1 và 2-6, thực hiện sự chỉ đạo của ông Đào Xuân Liên, lãnh đạo Công ty và nông trường đã cùng với lãnh đạo xã Ia Pia tiến hành họp các làng Hát 1, Hát 2 và Le Ngó để vận động nhân dân thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh thông qua thông báo số 47 của UBND tỉnh. Đồng thời lãnh đạo Công ty đã thông báo cho chính quyền địa phương cũng như nhân dân của 3 làng được biết là nông trường sẽ tuyển dụng lao động của 3 làng vào làm công nhân để nhận khoán 35 ha cà phê tái canh nói trên. Tuy vậy, nhân dân 3 làng vẫn không chịu mà tiếp tục đòi lại đất để trồng hoa màu.

Trong 2 ngày 5 và 6-6, gần 300 người làng Le Ngó xã Ia Pia đã lại kéo nhau tiến hành trồng bắp trên diện tích mà nông trường đã khai hoang phục hoá chuẩn bị trồng tái canh cà phê.
Hàng trăm người dân đang gieo bắp trên diện tích đất vừa được san ủi bằng phẳng
Sáng ngày 7-6, khi chúng tôi có mặt tại nơi người dân địa phương đã trồng bắp thì có khoảng 60 người, trong đó có nhiều người là công nhân của nông trường đang tiến hành phun thuốc diệt cỏ. Khi được hỏi tại sao trồng bắp trên diện tích đất của nông trường thì tất cả không trả lời mà đã lên xe bỏ về làng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những người trồng và phun thuốc đều được ghi công lao động, đến cuối vụ thu hoạch sau khi bán thì sẽ dựa trên ngày công lao động để chia phần. Như vậy, có thể nói diện tích đất nông trường chuẩn bị trồng tái canh đã bỗng dưng trở thành của người dân làng Le Ngó trồng hoa màu.
Gần 60 người dân tập trung phun thuốc trừ cỏ nhưng khi phóng viên cùng lãnh đạo Công ty đến thì họ bỏ về
Ông Lê Quang Dũng- Phó Giám đốc nông trường cho biết: “Từ khi sự việc chặt cà phê đến việc trồng bắp như hôm nay chúng tôi đều có báo cáo trực tiếp hoặc thông qua điện thoại với chính quyền địa phương nhưng mọi chuyện vẫn cứ diễn ra. Chúng tôi chỉ mới san ủi 16 ha là dừng lại chứ tiếp tục làm thì người dân sẽ tiếp tục trồng bắp trên diện tích đó”. Cũng theo ông Dũng, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì kế hoạch cải tạo vườn cà phê chè không thể thực hiện, dẫn đến thiệt hại lớn cho Công ty là điều không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Đại Ngọc- Giám đốc công ty bức xúc: “Công ty đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh nhưng người dân hết chặt cà phê thì đến trồng hoa màu trên diện tích đất Công ty vừa phục hóa để trồng tái canh. Tình hình như thế này liệu đến mùa thu hoạch có ngăn chặn được tình trạng gây rối, trộm cắp cà phê không? Diện tích đất tại lô 7 được UBND tỉnh cấp cho Công ty vào năm 2003 không thuộc đất tranh chấp thì không có lý do gì để người dân chặt phá đòi lại đất với lý do thiếu đất sản xuất. Tôi mong các cấp chính quyền cần xử lý nghiêm để tránh tình trạng trên tiếp diễn và lan toả từ làng này sang làng khác và sự việc diễn biến ngày càng phức tạp hơn”.
Minh Dưỡng- Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm