Bạn đọc

Chiếm dụng đất bằng giấy tờ giả!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lợi dụng lòng tin có quan hệ họ hàng, bên sang nhượng đã giữ lại giấy tờ sang nhượng đất một thời gian sau đó giả mạo chữ ký nhằm chiếm dụng lại một phần đất đã bán cho người khác. Song, qua hai cấp xét xử, Tòa án cũng không tuyên buộc trả lại đất mà quy thành tiền và bản án còn nhiều lỗi vi phạm tố tụng.

Một phần đất bán hai lần

Quá trình giải quyết vụ kiện ở 2 cấp xét xử các bên đều thừa nhận: Bà Tống Thị Chúc và bà Tống Thị Ngoan là chị em họ với nhau. Vào ngày 20-12-2004, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Đại- Tống Thị Chúc có nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông bà Trần Văn Thông- Tống Thị Ngoan 1.000 m2 (20 mét x 50 mét) đất tại thôn Đkun, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa với giá 20 triệu đồng nhưng trong hợp đồng chỉ ghi là 10 triệu đồng nhằm trốn tránh việc nộp thuế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau khi được UBND xã Pờ Tó xác nhận hợp đồng sang nhượng, ông Đại- bà Chúc tiến hành làm nhà trên diện tích 400 m2, đồng thời yêu cầu vợ chồng ông Thông- bà Ngoan làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận, nhưng bà Ngoan nói bìa đỏ đang còn ở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, khi nào lấy về sẽ tiến hành làm thủ tục sang tên. Sau đó vợ chồng ông Thông- bà Ngoan lại đưa bản phô tô bìa đỏ cho ông Đại đi làm thủ tục sang tên. Nhưng ông Đại không làm được…


Từ đó, vợ chồng ông Thông- bà Ngoan bảo vợ chồng ông Đại- bà Chúc đưa sổ hộ khẩu để làm thủ tục sang tên. Lợi dụng quyển sổ hộ khẩu, vợ chồng ông Thông làm một bản hợp đồng khác giả mạo chữ ký của bà Chúc để làm một bìa đỏ với diện tích sang nhượng là 400 m2. Đồng thời, diện tích làm bìa đỏ này có vị trí thuộc tờ bản đồ số 222, thửa đất số 52a mà không phải vị trí đất thuộc tờ bản đồ số 52, thửa đất số 222 như hợp đồng ban đầu. Sau đó, ông Thông- bà Ngoan tiếp tục sang nhượng phần đất trong toàn bộ diện tích đất đã sang nhượng cho ông Đại- bà Chúc cho vợ chồng ông Trần Văn Hậu và bà Phạm Thị Dung. Ông Hậu- bà Dung làm nhà cấp 4 trên diện tích đất đã sang nhượng.

Giải quyết chiếm dụng đất bằng đền tiền

Khi phát hiện sự việc, ông Đại- bà Chúc đã làm đơn khiếu nại đến UBND xã Pờ Tó nhưng chính quyền hòa giải không thành. Từ đó, ông Đại- bà Chúc làm đơn tố cáo việc giả mạo chữ ký và sau cùng là khởi kiện ra Tòa án.

Ngày 30-9-2009, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Ia Pa đưa vụ kiện ra xét xử và tuyên bác đơn yêu cầu trả 600 m2 đất của vợ chồng ông Đại- bà Chúc. Không chấp nhận phán quyết của cấp sơ thẩm, ông Đại- bà Chúc kháng cáo. Ngày 12-4-2010, TAND tỉnh xem xét phúc thẩm và chấp nhận đơn khởi kiện của vợ chồng ông Đại. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử TAND tỉnh lại cho rằng, vợ chồng ông Trần Văn Hậu và bà Phạm Thị Dung (người đã nhận chuyển nhượng đất lần sau- N.V) đã làm nhà kiên cố trên diện tích đất nhận chuyển nhượng nên buộc vợ chồng ông Thông phải bồi thường cho vợ chồng ông Đại 51 triệu đồng, tương ứng với 600 m2 chưa giao.

Song, vừa qua Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh đã có Công văn 06/BC-P5 đề nghị Viện KSND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh vì quá trình giải quyết vụ kiện vi phạm tố tụng và không phù hợp với thực tiễn khách quan. Theo đó, sau khi mua đất của vợ chồng ông Thông, vợ chồng ông Trần Văn Hậu chỉ làm nhà cấp 4 trên một phần diện tích có chiều ngang 7,5 mét thì vẫn còn lại 8,5 mét chiều ngang do vợ chồng ông Trần Văn Hậu quản lý và 8,4 mét chiều ngang do vợ chồng ông Thông quản lý. Việc buộc vợ chồng ông Thông phải bồi thường cho vợ chồng ông Đại 51 triệu đồng, tương ứng với 600 m2 chưa giao là không đúng với quy định Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Hơn nữa, theo văn bản đề nghị kháng nghị của VKSND tỉnh thì cả hai cấp xét xử xác định giá quyền sử dụng đất theo khung giá UBND tỉnh Gia Lai ban hành ngày 23-12-2008 mà không xác định theo giá thị trường tại thời điểm xét xử là không phù hợp với thực tế khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự; không triệu tập vợ chồng ông Trần Văn Hậu là người có quyền lợi liên quan; Biên bản nghị án sơ thẩm vào lúc 11 giờ ngày 6-10-2009 nhưng phiên tòa kết thúc lúc 10 giờ 30 phút ngày 6-10-2009 (tức kết thúc phiên tòa trước, nghị án sau); bản án sơ thẩm được ban hành ngày 30-9-2009 nhưng mở phiên tòa công khai lúc 8 giờ ngày 30-9-2009 và kết thúc phiên tòa lúc 10 giờ 30 phút ngày 6-10-2009 (tức bản án sơ thẩm được ban hành trước khi phiên tòa xét xử kết thúc)…

Đây là những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự nhưng chưa được xem xét.

Huỳnh Lê

Có thể bạn quan tâm