Thời sự - Bình luận

"Chiến sĩ" tuyến đầu trong thế trận lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hơn một tuần qua, kể từ ngày TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, nhiều cô bác là “cán bộ” khu phố, tổ dân phố chưa hề nghỉ tay. Khi thì phát phiếu tuyên truyền phòng chống dịch, lúc thì hỗ trợ cán bộ y tế truy vết…

Khi có khu vực bị phong tỏa, các “cán bộ” khu phố lại nhiệt tình hỗ trợ chính quyền, nhà hảo tâm đi phân phát lương thực thực phẩm, xác minh các hộ nghèo, các trường hợp nằm trong diện nhận hỗ trợ tiền của TP…

Chưa lúc nào như trong lúc này, công việc của những người “cán bộ” khu phố, nhất là các cô bác tổ trưởng lại chồng chất đến vậy. Không ít “cán bộ” khu phố tuổi đã ngoài 70, nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn thầm lặng “vác tù và hàng tổng”. Họ như những chiến sĩ thực thụ.

Nói như ông Nguyễn Quang Trung (Tổ trưởng tổ 41, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM), nhiều khi bỏ dở bữa cơm để chạy hỗ trợ người dân khi đoàn y bác sĩ đến lấy mẫu. Hay nửa đêm nghe khu phố có người mắc Covid-19 là thức giấc, phụ chính quyền địa phương giăng dây, lập chốt.

Chưa hết, ngay khi TP giãn cách, cấm buôn bán, lại chạy đến hàng trăm quán ốc, quán cơm… vận động tạm dừng.

 

 



Với đặc thù dân cư của TPHCM, người dân ở mỗi khu phố chủ yếu là người các nơi đến sinh sống, công việc nghề nghiệp cũng đa dạng nên ý thức chấp hành pháp luật, ý thức cộng đồng cũng không đồng nhất. Vậy nên, để cuộc sống khu phố bình yên ngay trong ngày bình thường hay trong điều kiện giãn cách có vai trò rất lớn của “cán bộ” khu phố. Đó là tinh thần trách nhiệm, là sự kề vai sát cánh vì cộng đồng, không chút nề hà của “cán bộ” khu phố.

Họ còn là những gương điển hình trong phòng chống dịch Covid-19, là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả, vừa quán triệt phòng chống dịch cho gia đình, người thân, nhưng cũng thường xuyên nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng chống dịch. Rồi gặp gỡ, vận động người dân chia sẻ khó khăn với chính quyền để dập dịch, tổ chức quyên góp hỗ trợ những gia đình, trường hợp khó khăn trong khu phố do ảnh hưởng dịch; tổ chức đi chợ giùm, đi chợ hộ cho bà con trong khu phong tỏa… Những hành động, việc làm như thế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhân văn và tính hiệu quả trong công tác dân vận ở cơ sở.

Nếu có một đánh giá rằng những người gần dân nhất, hiểu dân nhất, đưa chủ trương đường lối, chính sách đến dân thiết thực nhất, chắc hẳn có “cán bộ” khu phố, tổ dân phố. Trong mọi hoàn cảnh, để chung tay chia sẻ, vận động, đùm bọc, “cán bộ” khu phố, dân phố được gọi tên nhiều nhất.

Vậy nhưng, có lúc, có nơi, do sốt ruột với dịch bệnh, chưa được bố trí đi cách ly tập trung, chưa đến lượt đi xét nghiệm, chưa được xem xét nhận trợ cấp khó khăn, chưa được tiếp tế…, một số người dân lại chỉ trích, phê bình “cán bộ” khu phố. Đó là sự thiếu cảm thông, thiếu chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi, do thiếu thông tin, thiếu nhận thức, thiếu trách nhiệm, “cán bộ” khu phố còn thờ ơ, cứng nhắc, lạm quyền. Do đó, khi dịch bệnh phức tạp, giãn cách xã hội trong thời gian dài, gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân thì sự gắn bó, sẻ chia từ mỗi người dân, mỗi gia đình với từng “cán bộ” khu phố, tổ dân phố sẽ tạo nên sức mạnh chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã có lời kêu gọi người dân TP thực hiện nghiêm tinh thần nội dung Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TPHCM đã phát động “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch” với mong muốn người dân TP chung sức, đồng lòng. Vì sức khỏe, hạnh phúc của hàng triệu đồng bào, mỗi cá nhân, gia đình phải chung tay sát cánh. Và nếu mỗi người dân, cán bộ đều có tinh thần hy sinh của cán bộ khu phố, tổ dân phố, ắt hẳn tạo nên thế trận lòng dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết cho mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh, mà trên hết là từ sự tự giác, ý thức trách nhiệm, sự rộng lòng và hào hiệp của mỗi cá nhân, đơn vị.

Theo TƯỜNG LÂM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm