Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chiến thắng của ý chí thống nhất, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 30-4-1975 chính là sự thể hiện sinh động nhất, tập trung nhất của tinh thần đại nghĩa thắng hung tàn, của lòng yêu nước, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói trên thế giới này ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, đã phải chịu đựng nhiều thử thách vô cùng ác nghiệt và kéo dài bởi chiến tranh xâm lược, gây nên bao mất mát, phân ly và nhiều hậu quả hết sức nặng nề để lại sau chiến tranh, kéo dài đến tận hôm nay.

Là một dân tộc vốn có đức tính hiếu hòa, chúng ta luôn mong muốn được sống hòa bình với các dân tộc láng giềng trong khu vực và luôn nỗ lực vun đắp cho hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Chúng ta không hề có ý tưởng gây hấn với bất cứ ai và chủ trương giải quyết các bất đồng tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải trên tinh thần muốn làm bạn của tất cả các nước. Chúng ta chủ trương cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác phát triển vì lợi ích chung trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi nước.

 

Hoan hô bộ đội giải phóng quân.
Hoan hô bộ đội giải phóng quân.

Chúng ta luôn mong muốn được sống trong hòa bình, phản đối chiến tranh. Nhưng một khi độc lập chủ quyền của dân tộc bị đe dọa bởi các thế lực từ bên ngoài thì dân tộc Việt Nam đã nhất tề, đoàn kết một lòng với ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước” được phát huy mạnh mẽ.

Trải qua quá trình đấu tranh gian khó và đầy hy sinh - khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước không ngừng sục sôi và cháy bỏng trong lòng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Khát vọng đó là động lực thôi thúc mãnh liệt nhân dân ta chiến đấu bằng sức mạnh của tinh thần yêu nước, của sự dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, kiên trì, bất khuất, biết cách vượt qua khó khăn, thử thách theo mỗi giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và bằng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân và toàn diện; kết hợp sức mạnh của dân tộc và của thời đại đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trong tiến công khiến kẻ thù dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn và buộc quân xâm lược phải rút khỏi nước ta.

Ngày 30-4-1975 chính là sự thể hiện sinh động nhất, tập trung nhất của tinh thần đại nghĩa thắng hung tàn, của lòng yêu nước, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định, đó chính là chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam, của mọi người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cũng với tinh thần và ý chí đó đã tiếp tục tỏa sáng giúp chúng ta vượt qua bao khó khăn, thử thách của những ngày đầu sau khi kết thúc chiến tranh, hòa  bình lập lại. Bị thù trong giặc ngoài, bị bao vây cấm vận, sản xuất kinh doanh đình đốn, đời sống của nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, lòng tin của một bộ phận người dân bị khủng hoảng thì cùng lúc đó chúng ta lại phải tiến hành 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở 2 đầu biên giới của đất nước. Chính với lòng yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã giúp chúng ta trụ vững và từng bước cùng nhau chung sức giải quyết thành công bao khó khăn, trở ngại; bám sát thực tiễn, lắng nghe, chịu khó học hỏi, dám nghĩ với tinh thần đổi mới sáng tạo, tìm lối ra, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ra sức khắc phục những hạn chế, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội; thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện cả về chính trị, kinh tế, xã hội và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển không ngừng, để nhân dân ta có được cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.

Kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30-4, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước nồng nàn, tiếp nối khát vọng lịch sử là hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước thì điều có ý nghĩa quan trọng hiện nay là chúng ta phải làm sâu sắc hơn và vun đắp không ngừng cho khát vọng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh luôn trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội. Và cùng với lòng yêu nước, biến khát vọng trên thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và triệt để, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tiến đến có được một điều kiện sống văn minh, hiện đại và luôn đậm nghĩa tình.

Để thiết thực kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, chúng ta cần thông qua hành động cụ thể, thực chất để khắc phục được những trì trệ, yếu kém, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, khắc phục lối làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thiếu bài bản chiến lược, thiếu sự liên kết hợp tác, mạnh ai nấy làm, thích bề nổi, phô trương, chạy theo thành tích... đã và đang cản trở sự đi lên của đất nước, làm méo mó bao giá trị nhân văn tốt đẹp, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chế độ ta. Mà trong đó đội ngũ cán bộ các cấp cần nói ít, làm nhiều, làm có hiệu quả và luôn xác định lấy lợi ích của nhân dân lên trên hết. Phải luôn luôn tiến hành thật mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sao cho Đảng ta thật trong sạch vững mạnh; chống lại mọi biểu hiện suy thoái, biến chất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; nâng cao phẩm chất, vai trò tiên phong, gương mẫu của từng đảng viên. Phải xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân một cách thật sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; công khai, minh bạch trong mọi hoạt động quản lý, điều hành và tăng cường sự giám sát của nhân dân. Cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời có chính sách động viên mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển đất nước. Đặc biệt phải tập trung và phát huy mọi nguồn lực bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trên nền tảng sức mạnh của nhân dân, của lòng yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm