Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chính phủ đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 1.000 rừng làm cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tờ trình nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 44/2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18, trong đó, UBND các tỉnh có dự án tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc địa phận quản lý của địa phương và gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổ chức thẩm định theo quy định.

Phải chuyển đổi hơn 1.000 ha đất rừng để làm cao tốc Bắc-Nam. Ảnh nguồn baotintuc.vn
Phải chuyển đổi hơn 1.000 ha đất rừng để làm cao tốc Bắc-Nam. Ảnh nguồn baotintuc.vn

Căn cứ ý kiến các bộ và địa phương liên quan, ngày 15-4-2022, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có báo cáo về kết quả thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu của dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021-2025 và thời kỳ 2021-2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054 ha, gồm: gần 112 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; gần 803 ha rừng sản xuất; hơn 135 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ gần 15 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất hơn 120 ha).

Về việc chuyển mục đích sử dụng đất, trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua, diện tích đề nghị chuyển đổi là hơn 1.721 ha đất trồng lúa, gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là hơn 1.537 ha; đất trồng lúa còn lại là hơn 184 ha.

Đất rừng dự kiến chiếm dụng là gần 1.864 ha, gồm: đất rừng phòng hộ hơn 138 ha; đất rừng đặc dụng 4,61 ha; đất rừng sản xuất hơn 1.721 ha.

So với sơ bộ diện tích chiếm dụng nêu tại Nghị quyết số 44/2022 của Quốc hội, diện tích đất lâm nghiệp đề nghị chuyển đổi tăng gần 318 ha (đất rừng phòng hộ tăng 28,10 ha, đất rừng sản xuất là hơn 285 ha và đất rừng đặc dụng tăng 4,61 ha).

Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 5,23 ha.

“Nguyên nhân có sự thay đổi trên là do trong bước nghiên cứu tiền khả thi dự án được tính toán trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi. Hiện nay, số liệu đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được UBND các tỉnh đo đạc, thống kê, tổng hợp trên cơ sở hướng tuyến nên độ chính xác cao hơn”-tờ trình nêu.

Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật.

Chỉ đạo UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, cập nhật dự án vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, các địa phương có diện tích rừng chuyển đổi hiện đã xây dựng phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án thành phần đầu tư xây dựng có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông và PTNT cho biết để chuyển 1 ha rừng trồng phải trồng bù 1 ha rừng thay thế, còn chuyển đổi 1 ha rừng tự nhiên phải trồng 3 ha rừng thay thế. Cơ cấu loại cây yêu cầu là cây lâm nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền, thời gian chủ đầu tư phải nộp để trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng bình quân trên địa bàn tỉnh tại thời điểm chủ đầu tư dự án nộp tiền, bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, trồng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng.

Chủ đầu tư dự án sẽ phải bỏ tiền để thực hiện việc trồng rừng thay thế, kinh phí được tính toán vào tổng mức đầu tư xây dựng đường.

“Việc trồng rừng thay thế phải thưc hiện theo những quy định của Thông tư 13 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và được giao cho UBND tỉnh, nơi có dự án đi qua thực hiện”-ông Nghĩa nói.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm