Chính phủ đã đồng ý thí điểm đưa lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đây là cơ hội để lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới.
Lao động tỉnh Hà Nam sang Hàn Quốc làm thời vụ. Ảnh: V.HÀ |
Thông tin trên được ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết ngày 7.5.
Theo ông Tống Hải Nam, từ năm 2018, Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Đến nay, chương trình chỉ triển khai tại 8 địa phương, gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam và Cà Mau.
“Do chương trình mới thực hiện trong thời gian ngắn tại một số địa phương, chưa đủ cơ sở để đưa vào luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nên căn cứ vào nhu cầu thực tiễn từ phía Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục triển khai thí điểm chương trình này trong thời gian tới.
Ngày 27.4, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thí điểm thực hiện người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 5 năm, từ 1.1.2022”, ông Nam thông tin.
Sau khi Chính phủ cho phép, trong tháng 5, phía Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam làm việc tại các trang trại nông nghiệp. Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam tiếp cận các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và hiện đại tại Hàn Quốc.
Theo ông Nam, trên cơ sở quan hệ hợp tác sẵn có giữa địa phương Việt Nam và địa phương Hàn Quốc, các cơ quan cấp tỉnh trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Trước khi ký kết, các địa phương báo cáo Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ để xem xét, chấp thuận hợp tác.
Để tổ chức tốt hoạt động thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tuyển chọn lao động đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu đối với người lao động trong thỏa thuận ký kết.
Đặc biệt, ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.
Trước đó, cuối tháng 2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã đưa ra cảnh báo lừa đảo đưa người lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đơn vị này đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người lao động về việc bị môi giới lừa đảo đưa sang Hàn Quốc làm lao động thời vụ với visa C4 và E8 theo thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.
Đáng chú ý, các đối tượng môi giới còn cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền bất chính của người lao động.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, chỉ có người lao động tại 8 địa phương trên đã ký kết thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc mới được đi theo chương trình. Mọi cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ.
Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là sở LĐ-TB-XH và trung tâm dịch vụ việc làm.
Ngoài ra, người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin có liên quan tại Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 02438249517, hoặc thông tin trên webite: dolab.gov.vn.
Đầu năm 2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đã thông báo dự kiến áp dụng một số quy định liên quan đến lao động thời vụ (E8) như: mở rộng phạm vi đối với người nước ngoài được tham gia lao động thời vụ tạm thời, mở rộng các chế độ ưu tiên đối với lao động thời vụ trung thành như đảm bảo cơ hội tái nhập cảnh. |
Theo Thu Hằng (TNO)