Danh sách các trường hợp bị khởi tố và đưa ra xét xử liên quan đến sai phạm về đất đai ngày một dài ra.
Bên cạnh tội danh "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" của một số quan chức chính quyền thì phổ biến hơn cả là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những giám đốc công ty địa ốc bằng cách vẽ dự án "ma" để phân lô bán nền, thu lợi bất chính…
Những ngày qua, ở một số tỉnh - thành tiếp tục có thêm vài trường hợp bị khởi tố hoặc truy nã vì đã "bán trời không văn tự" giống như cách Công ty CP Địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện ở TP HCM từng làm. Từ đó cho thấy bất động sản vẫn là lĩnh vực béo bở - ở đó bên cạnh đại đa số doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chân chính, đường hoàng thì cũng còn nhiều kẻ bất lương núp bóng để lừa lọc, kiếm chác, đẩy bao người có nhu cầu về nhà ở thật sự lâm vào cảnh khốn cùng. Đó cũng là nơi đầy cạm bẫy đối với không ít người tham lam, bất chấp mọi cảnh báo rủi ro.
Những tỉnh - thành có tốc độ đô thị hóa nhanh đều đối mặt với tệ trạng kể trên. Ngăn chặn từ gốc không phải chuyện dễ. Đã có nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế thật cao đối với bất động sản để tránh đầu cơ, qua đó hạn chế rủi ro cho người thật sự có nhu cầu về nhà ở nhưng ở chiều ngược lại, giới chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng hễ thuế cao thì giá bất động sản sẽ cao theo, từ đó nhà ở càng xa tầm tay người có thu nhập thấp.
Một trong những công cụ điều tiết chính là hệ số điều chỉnh giá đất. Tại TP HCM, nơi giá bất động sản rất đắt đỏ, liên sở Tài chính - Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất UBND thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022, giữ nguyên như năm 2021.
Theo ghi nhận, hệ số điều chỉnh giá đất ở TP HCM hiện thấp hơn thị giá khá xa. Ví dụ, khu trung tâm thành phố (các tuyến Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi…) áp theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 là 162 triệu đồng/m2, đem nhân với hệ số khu vực I là 2,5 thì có giá khoảng 400 triệu đồng/m2, trong khi thực tế ở đây thị giá hiện không dưới 800 triệu đồng/m2.
Với đề xuất nói trên, liên sở lập luận rằng cho dù phương pháp định giá đất phải phù hợp thị trường nhưng giá thị trường hiện đã quá cao rồi, nếu hệ số điều chỉnh của nhà nước chạy theo thị giá thì sẽ gây tăng đột biến, càng làm khó cho công tác an sinh xã hội và quản lý đất đai... Quan điểm này khá hợp lý, không chỉ riêng với khu vực trung tâm mà với tất cả các khu vực khác, góp một tay ngăn chặn tình trạng thổi giá vô tội vạ.
Khi giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực tế của nó thì phát sinh nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, nhiều dự án giao thông trễ tiến độ là vì kẹt giải phóng mặt bằng do các hộ dân giao đất đòi mức giá đền bù quá cao. Từ thực tế này, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải pháp thí điểm tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để đẩy nhanh tiến độ dự án tổng thể. Đây là cách làm hay, bám sát thực tiễn, sẽ gỡ vướng cho hàng loạt dự án bị ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo A.Q (NLĐO)