Thời sự - Bình luận

Chờ thị trường bất động sản phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến thời điểm này, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản đã được Chính phủ tích cực tháo gỡ. Vấn đề còn lại là việc thực hiện của các địa phương, thành viên của thị trường, để chính sách mới sớm đi vào thực tế và phát huy hiệu quả.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vướng mắc lớn nhất hiện nay của thị trường bất động sản là vấn đề pháp lý, liên quan đến hơn 100 luật, nghị định, thông tư với nhiều quy định chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ.... Điển hình là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chưa có sự nhất quán về việc cho phép người nước ngoài mua hoặc sở hữu quyền sử dụng đất, bất động sản.

Bên cạnh đó, một số quy định pháp lý còn chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Chẳng hạn, pháp luật chưa có quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và chuyển nhượng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, các quy định xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án cũng chưa được nhất quán tại các địa phương.

Nhận diện đúng những vướng mắc, Chính phủ đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt. Có thể kể đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3 sửa đổi một số quy định trong Nghị định 65/2023/NĐ-CP theo hướng mở hơn, có lộ trình phù hợp hơn đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ; Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11-3 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản; Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 3-4 phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030; Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3-4 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có các nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ, có condotels, officetels…

Đặc biệt, ngày 6-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân... Nghị quyết yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để triển khai.

Việc khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế đặc biệt quan trọng đối với thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh vấn đề xác định giá đất luôn phức tạp.

Đến thời điểm này, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản đã được Chính phủ tích cực tháo gỡ. Vấn đề còn lại là việc thực hiện của các địa phương, thành viên của thị trường, để chính sách mới sớm đi vào thực tế và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các luật như: Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... đảm bảo đồng bộ, nhất quán. Đồng thời, các chính sách về tín dụng, các định chế tài chính như: quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ đầu tư tín thác bất động sản cũng cần được thúc đẩy.

Có thể bạn quan tâm