Chớm chạm đất Xuân Dương, chúng tôi đã nghe văng vẳng lời sli. Những thanh âm ngọt ngào luồn trong sương chừng đang đổ cùng bóng núi, những người sli mắt biêng biếc hướng cả về nhau.
Giữa bạt ngàn hoa cỏ mùa xuân, trên những cánh đồng mơn mởn lúa đương thì con gái, hay thậm chí ngay tại các khe suối, đèo sâu… bất kể nơi nào, các sơn nam, sơn nữ người Nùng xã Xuân Dương (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cũng có thể cất lên lời sli ngọt ngào như nước suối. Không ít cặp đã nên chồng, nên vợ sau những lần sli như vậy.
Lên đồng rừng nghe chuyện hát sli
Chớm chạm đất Xuân Dương, chúng tôi đã nghe văng vẳng lời sli. Những thanh âm ngọt ngào luồn trong sương chừng đang đổ cùng bóng núi, những người sli mắt biêng biếc hướng cả về nhau.
Cuộc sli hôm nay kéo dài bao lâu có lẽ cũng không mấy người nhớ. Chỉ biết rằng, lời đã thấm vào lòng như rượu quý, câu sli cất lên trên những cánh môi, buồn có, vui có, cứ vậy thánh thót ngân rung rồi bất chợt lại thủ thỉ tư tình.
Ngưng "keo" sli, ông Nông Văn Hồ (thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương) - "nghệ nhân" hát sli nức tiếng trong vùng bảo, già rồi, giọng sli cũng giảm đi ít nhiều nhưng tình sli thì còn đầy lắm. Ngồi bên cạnh, bà Nông Thị Nguyện - vợ ông Nông Văn Hồ nhìn chồng tủm tỉm. Ánh mắt ấy thật khó có lời nào diễn đạt hết nổi những tâm tình. Chỉ biết rằng, ở cái tuổi đã ngoài 50 mà đôi má bà vẫn còn ửng hồng khe khẽ.
Nghệ nhân Nông Văn Hồ đang thả hồn vào những câu sli của đồng bào Nùng xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng |
Ông Lương Thanh Luyện - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cho biết: Hát sli là thể hát dân ca mang đậm bản sắc văn hóa tốt đẹp và rất đặc trưng của người Nùng ở huyện Na Rì. Xã Xuân Dương là địa phương có truyền thống hát sli, được tổ chức vào các dịp năm mới, mừng nhà mới, những lễ hội tại địa phương, nhờ đó đã phát huy được bản sắc tốt đẹp của dân tộc Nùng.
|
Đưa chén rượu đông chí lên môi nhấp từng ngụm nhỏ, rồi ông Nông Văn Hồ khe khẽ kể chuyện: Hát sli không biết có từ khi nào, chỉ biết đã được truyền thừa đời này qua đời khác. Người dân ở xã Xuân Dương từ lúc bắt đầu bập bẹ nói cho đến khi trở về bên mẹ núi, thứ thanh âm ngọt ngào nhất luôn neo giữ bên lòng chính là những lời sli.
"Chúng tôi ở đây, người nào cũng biết hát sli. Trong các buổi chợ, ngày hội, đám cưới, hay mừng nhà mới… đâu đâu cũng nghe vang vọng lời sli. Những câu sli giúp chúng tôi phấn chấn tinh thần, giúp đôi tay chắc khỏe trên nương, đường cày thêm thẳng mà lòng người thì cũng nhẹ nhõm ít nhiều" - ông Nông Văn Hồ chia sẻ.
Theo ông, lời sli là những câu chuyện, những giao bôi quyến luyến, hò hẹn neo giữ lòng người. Đời nối đời, người dân xã Xuân Dương quê ông cứ vậy mà lớn lên từ những câu sli đắm mê, tình tứ ấy.
Có thể nói, hát sli đã ăn sâu vào đời sống tinh thần các thế hệ đồng bào người Nùng nơi đây, thể như sợi dây hồng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, buộc những hồn sli lại với nhau mà nên chồng, nên vợ.
Có những cuộc sli kéo dài thâu đêm, suốt sáng, người về rồi lòng không khỏi nhớ nhung. Và cũng có không ít những mối tình dang dở, để rồi phiên chợ tình xuân ngày 25/3 (âm lịch) hàng năm, những cặp đôi ấy lại sắm vai "người cũ" tìm đến với nhau mà bày tỏ tâm tình.
Trải lòng của các "sli thủ"
Cuộc sli của những nghệ nhân người Nùng tại xã Xuân Dương, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng |
Bà Nông Thị Nguyện nhớ lại, cách đây mấy mươi năm, khi bà đi chợ tình Xuân Dương, sau biết bao "keo" sli, hồn bà đã bị ông Nông Văn Hồ "cõng" mất bằng những lời sli tình tứ. "Gặp nhau, ngỏ lời hát sli, rồi sau đó hẹn hò với nhau cho đến khi thành chồng, thành vợ. Cũng phải 2 năm chợ tình, chúng tôi mới quyết định đến với nhau. Khi ấy tôi mới 18 tuổi. Chú có giọng sli rất ngọt ngào. Sau lần hát sli thâu đêm, suốt sáng tại chợ tình đầu tiên ấy thì bén duyên. Hết phiên chợ, cảm giác lâng lâng khó tả lắm. Đêm về nhớ, rất nhớ. Hồi đó chưa có điện thoại, đành hẹn chợ tình xuân phiên sau (mỗi năm một phiên - PV). Đêm về mất ngủ, ngày thì nhớ mong, hóng chợ tình vào phiên. Chỉ nghĩ đến giọng sli của người mình thích thôi tim đã đập mạnh lắm rồi" - bà Nguyện tâm sự.
Nhớ lại ngày gặp bà Nguyện tại chợ tình, ông Nông Văn Hồ bảo, trước đó chú có rất nhiều cô ở Lạng Sơn, rồi các thôn bản, các xã lân cận, cũng yêu, cũng thích và hát rất nhiều. Cô là người cuối của chú đấy.
"Khi bước sang tuổi 20, thấy cũng lấy vợ được rồi, gặp cô ở chợ tình thấy vừa xinh, lại sli giỏi nên chú bỏ mấy cô trước để quyết tâm theo đuổi. Người hát sli cứ chỗ nào thấy người đẹp, sli giỏi, giọng hay là vào hát. Khi đã biết tâm tư người trong lòng mình rồi, đã trải lòng hết với nhau rồi thì thành vợ, thành chồng thôi" - ông Nông Văn Hồ kể.
Tương tự, ông Nông Ngọc Thánh (thôn Cốc Càng, xã Xuân Dương) lấy vợ cũng từ chính những cuộc sli thâu đêm, suốt sáng tại chợ tình 25/3 của địa phương. Qua những câu sli hỏi han, tâm tình, ông và bà đã quyết định đến với nhau.
Theo ông Nông Ngọc Thánh, khác bây giờ, một năm quen, thậm chí vài tháng thôi đã có thể lấy nhau rồi. Còn ngày ấy, thử thách những mấy năm, khi tình cảm vẫn được như cũ thì mới quyết định nên chồng, nên vợ.
Nhớ lại người vợ đã mất, giọng ông Thánh trùng xuống, khóe mắt rưng rưng. Những cuộc sli với người vợ đảm đang, thùy mị nết na của ông ngày ấy như vẫn còn đâu đó gần lắm. Ông buông tiếng thở dài rồi nhìn hút theo bóng núi ngoài xa đang đổ dần xuống con suối mềm mại mà ở đó, từng có những đêm sli ngọt ngào, tình tứ với người vợ quá cố của mình.
Theo Chiến Hoàng (Dân Việt)