Nhiều app cho vay hiện nay đang hoạt động trái pháp luật, không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và hoạt động dưới dạng tín dụng đen. Vì vậy, đã đến lúc cần có một cơ chế pháp lý để quản lý chặt các app, đồng thời xử lý những app cho vay “cắt cổ”, tránh thất thu thuế.
Cần có cơ chế quản lý và giám sát chặt
Báo Lao Động đã đăng loạt bài “Vay tiền qua app” trong tháng 5 và 6.2020, nội dung phản ánh nhiều app cho đang cho vay với lãi suất cắt cổ và cơ quan chức năng không quản được. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi app thành lập 2 công ty khác nhau, một doanh nghiệp hoạt động dưới danh nghĩa là vận hành công nghệ đảm nhận vai trò vận hành app. Trong khi đó, doanh nghiệp còn lại hoạt động trên danh nghĩa là “công ty tài chính”, nhưng thực chất là đơn vị cầm đồ, đảm nhận vai trò giải ngân cho các app theo dạng cho vay cầm cố tài sản.
Đại diện đơn vị “cho vay Ngang hàng P2P” trong một buổi thuyết trình. Ảnh: Huân Cao |
Để tránh bị buộc tội cho vay nặng lãi, nhiều app vận hành đều áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm (tương đương 1,666%/tháng). Tuy nhiên, các khoản phí dịch vụ và phí phạt thì thu ở mức “cắt cổ”, có khi lên đến 50% số tiền vay. Điều đáng nói, hoạt động kinh doanh của nhiều app đang rất bí ẩn, cơ quan chức năng không quản lý được. Chiêu trò của những app vận hành trái phép là thường tạo ra nhiều app, nếu cơ quan chức năng phát hiện xử lý app này thì đưa app khác vào thay thế vận hành.
Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Công ty TNHH ATM Online Việt Nam (đơn vị vận hành app ATM Online) xác nhận, hiện nhiều app cho vay được giải ngân theo phương thức tín chấp, nhưng trên hợp đồng giao dịch thì được giải ngân theo phương thức thế chấp. Theo đó, người vay cùng lúc sẽ ký với app 3 hợp đồng: “Hợp đồng cung cấp dịch vụ”, “Hợp đồng cho thuê tài sản” và “Hợp đồng vay cầm cố”. Người vay phải cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, nơi ở, nơi làm việc, mức thu nhập và chụp hình gửi cho app, sau đó sẽ được giải ngân nhanh nhất trong vòng 2h.
“Nhiều app dễ dàng giải ngân mà không qua sàng lọc kỹ để chọn khách hàng tín nhiệm cao. Quan điểm của những app này là cứ giải ngân, thu phí dịch vụ và lãi suất cao, sau đó sẽ dùng mọi thủ đoạn để đe dọa, khủng bố người vay để nhằm thu hồi lại tiền. Điều đáng lo ngại là có nhiều app vận hành nhưng không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và hoạt động tự phát dưới dạng tín dụng đen mà cơ quan chức năng không quản lý được” - ông Hải nói.
Bà Natalia Kovalenko - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lendtop cho biết, hiện ở Việt Nam chủ yếu có 2 loại hình app cho vay. Một là nhóm các app cho vay với ít đầu tư công nghệ, chỉ cần có người vay tiền liên tục, không quan tâm liệu người vay có thể trả được nợ hay không. Hai là nhóm app cho vay khác sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến từ người dùng để giảm thiểu rủi ro cho bên đơn vị cho vay. Khi đó, các app này sẽ tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt để phân tích khả năng được duyệt vay và khả năng hoàn trả khoản vay của khách hàng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam các công ty áp dụng công nghệ này trên thị trường không nhiều vì chi phí bỏ ra để nghiên cứu lớn. Cơ quan chức năng tại Việt Nam cần chú ý đến yếu tố công nghệ này, để buộc các doanh nghiệp vận hành app phải áp dụng theo nhằm tạo một môi trường kinh doanh có quản lý của nhà nước.
Lĩnh vực mới, chưa có hành lang pháp lý
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở KHCN TPHCM, trên địa bàn hiện có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cho vay qua app theo phương thức P2P. Đây là một hoạt động cho vay theo phương thức mới, nhưng chưa có hành lang pháp lý, nhưng luật cũng không cấm hoạt động này.
Theo ông Dũng, đây là lĩnh vực công nghệ hoàn toàn mới, sở sẽ nghiên cứu và tiếp thu để đưa ra tham mưu cho thành phố, nếu liên quan đến những giải pháp công nghệ thì vẫn có thể triển khai thử nghiệm trên địa bàn thành phố.
Theo đại diện Đại học Bách khoa TPHCM cho hay, việc áp dụng công nghệ và dịch vụ cho vay qua app của các công ty tài chính được phổ biến trên nhiều nước. Điều này, đã giúp cho một bộ phận dân cư và doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện tiếp cận với khoản vay từ ngân hàng, nhưng cần gấp một khoản tài chính để giải quyết việc cấp thiết. Nhiều quốc gia đã quản lý tốt vấn đề này, bởi họ có hệ thống công nghệ phát triển và có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý phân khúc cho vay tài chính này. Còn tại Việt Nam đây là một lĩnh vực mới, chưa có hành lang pháp lý cho lĩnh vực này, công nghệ của nhiều đơn vị chưa được đầu tư tự động hóa và chưa có sự kiểm toán của cơ quan chức năng.
Đại diện một số đơn vị cho vay ngang hàng (P2P lending) cho hay, hiện có thực trạng nhiều doanh nghiệp cho vay ngang hàng qua app đang hoạt động một cách trái phép. Những đơn vị này, họ không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế cho nhà nước, hoạt động theo kiểu tín dụng đen với mức lãi suất cắt cổ. Chính vì vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách để xử lý nghiêm những đơn vị hoạt động phi pháp này.
https://laodong.vn/kinh-te/cho-vay-tien-qua-app-hoat-dong-ngam-khong-quan-ly-xue-835718.ldo
Theo Huân Cao - Trần Tuấn (LĐO)