Thời sự - Bình luận

Chống rác thải nhựa: Bắt đầu từ ý thức người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cách đây 1 năm, ngày 9-6-2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.

 

Thực hiện lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ, 1 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng phong trào này và đạt được những kết quả bước đầu.

Công cuộc “Chống rác thải nhựa” phải được bắt đầu từ ý thức của người dân.
Công cuộc “Chống rác thải nhựa” phải được bắt đầu từ ý thức của người dân. Ảnh: Hồng Thương



Tại Gia Lai, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được các ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đi đầu, gương mẫu trong phong trào “Chống rác thải nhựa”, thực hiện nghiêm túc cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy dùng một lần trong hoạt động của cơ quan. Việc triển khai kế hoạch “Chống rác thải nhựa” được xem là tiêu chí đánh giá trong thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, hầu hết cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều sử dụng chai đựng nước uống bằng thủy tinh thay cho chai nhựa. Cùng với đó, một số cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ… sử dụng bao bì bằng chất liệu thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông. Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là một trong những đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Bên cạnh việc kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ hưởng ứng và thực hiện phong trào này, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn vận động các tổ chức, cá nhân tặng giỏ xách đi chợ cho các bà nội trợ.

Có thể khẳng định, phong trào “Chống rác thải nhựa” bước đầu đã có sự lan tỏa trong cộng đồng và được một bộ phận dân cư hưởng ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, phong trào có ý nghĩa đặc biệt về môi trường này vẫn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; việc sử dụng bao bì và túi ni lông vẫn là thói quen của một bộ phận người dân. Biểu hiện rõ nhất của thói quen nguy hiểm này là phần lớn hàng hóa, thực phẩm tươi sống tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đều được đựng trong túi ni lông. Tại các bãi rác và khu vực công cộng, chiếm tỷ lệ lớn trong chất thải sinh hoạt hàng ngày của người dân vẫn là nhựa khó phân hủy. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải được áp dụng rộng rãi hiện nay vẫn “bó tay” trước loại rác thải này.

Theo Liên hợp quốc, rác thải nhựa đang là hiểm họa đối với môi trường toàn cầu. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đánh giá: Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông đang rất nghiêm trọng. Số lượng rác thải nhựa, túi ni lông thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Để ngăn chặn và đẩy lùi “ô nhiễm trắng”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi ni lông khó phân hủy dùng tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Đây là mục tiêu không khó thực hiện nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung và ý thức tự giác của con người.

Trở lại với phong trào “Chống rác thải nhựa” tại Gia Lai, thiết nghĩ, công tác tuyên truyền, vận động cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần vận động các tổ chức, gia đình, cơ sở kinh doanh, tiểu thương cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy dùng một lần. Ngay từ bây giờ, các địa phương cần định hướng xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường, trong đó có ý thức “chống rác thải nhựa”. Công cuộc “Chống rác thải nhựa” phải được bắt đầu từ ý thức của người dân!

Duy Lê
 

Có thể bạn quan tâm