Kinh tế

Nông nghiệp

Chủ động nguồn nước tưới vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai các giải pháp để chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, hồ chứa lớn. 

Trong đó, các đơn vị, địa phương chú trọng điều tiết hợp lý nước tưới cho từng vùng, khu vực nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nâng cấp hạ tầng thủy lợi, chủ động tích nước phục vụ sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, toàn tỉnh đã xây dựng được 352 công trình thủy lợi (119 hồ chứa, 193 đập dâng và 40 trạm bơm điện) với năng lực thiết kế tưới khoảng 67.411 ha cây trồng các loại. Hầu hết các công trình thủy lợi vận hành an toàn, đảm bảo phục vụ cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân và vụ mùa hàng năm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho hay: Hiện nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr tương đối dồi dào, đảm bảo cung cấp cho hơn 500 ha lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Nếu 10 tuyến kênh đang được đầu tư sớm hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng thêm nguồn nước tưới cho khoảng 1.000 ha lúa. Bên cạnh đó, để mở rộng tối đa vùng tưới, xã vận động người dân cải tạo những chân ruộng cao trước đây sản xuất lúa 1 vụ để sản xuất lúa 2 vụ.

Hồ chứa nước Ia Mơr. Ảnh: N.D

Hồ chứa nước Ia Mơr. Ảnh: N.D

Hiện nay, các công trình hồ chứa do các đơn vị, địa phương quản lý đều tích đạt 92-100% dung tích thiết kế tưới. Riêng các đập dâng dù phụ thuộc nguồn nước trời nhưng đến nay vẫn đảm bảo nguồn nước tích trữ. Hầu hết các công trình đã mở nước phục vụ người dân sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Hiện huyện đang quản lý 33 đập dâng bê tông cốt thép, 9 đập dâng tạm và gần 20,4 km kênh mương với tổng năng lực tưới 2.628 ha. Ngay sau khi kết thúc vụ mùa, ngành nông nghiệp huyện cùng với các địa phương, đơn vị đã tiến hành rà soát, sửa chữa những điểm rò rỉ nước trên toàn tuyến kênh và các đập dâng để tránh thất thoát nguồn nước. Đồng thời, theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy điện, thủy lợi để bố trí lấy nước, điều hòa lượng nước bơm tưới giữa cây cà phê và cây lúa nước, không để xảy ra việc tranh chấp nước phục vụ sản xuất trong dân. Đến thời điểm này, nhìn chung các hồ chứa, đập dâng đều đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hiện đang quản lý, khai thác 16 hồ chứa, 28 đập dâng và 4 trạm bơm điện với tổng năng lực tưới cho trên 31.500 ha lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp các loại. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, đơn vị đã chủ động tích nước cho từng công trình trong mùa mưa năm 2023. Đến thời điểm này, 16 hồ chứa nước đã tích nước đảm bảo dung tích thiết kế tưới.

Thủy lợi Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Ảnh: Q.T

Thủy lợi Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Năng Dũng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai-thông tin: Những năm gần đây, cùng với đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mới thì nhiều công trình thủy lợi cũ đã được đơn vị duy tu, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, hầu hết các công trình thủy lợi lớn, hệ thống kênh mương đã và đang được đầu tư kiên cố hóa cũng như mở rộng các tuyến kênh nhằm phát huy tối đa năng lực tưới. Năm nay, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày, chống hạn tốt để tránh hạn cuối vụ, tùy vào tình hình thực tế, Công ty sẽ xây dựng phương án phòng-chống hạn tại một số đập dâng như: Ia Pết, Phạm Kleo (huyện Chư Sê), hệ thống đập dâng xã An Phú (TP. Pleiku)… Đặc biệt, năm nay, những diện tích xa nguồn nước tưới, nguy cơ không đảm bảo cung cấp đến cuối vụ, Công ty không đưa vào kế hoạch sản xuất nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2023-2024, Công ty xây dựng kế hoạch tưới cho khoảng 19.258,55 ha cây trồng các loại. Hiện các công trình đã mở nước tưới phục vụ người dân sản xuất.

Hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh dự kiến sản xuất 79.500 ha cây trồng các loại. Trong đó, nhóm cây lương thực 30.050 ha, cây tinh bột có củ 12.900 ha, cây thực phẩm 19.420 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 12.420 ha và cây hàng năm 4.050 ha. Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì trong các tháng đầu năm 2024 với xác suất 90%. Dự báo từ nay đến tháng 6-2024, khả năng cao lượng dòng chảy trên các sông, suối, hồ chứa ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên có thể xảy ra khô hạn kéo dài.

Trước tình hình đó, ngày 2-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã ký Công văn số 06/UBND-NL về việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho vùng hạ du các lưu vực sông trong mùa khô cạn năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Công thương; các huyện, thị xã, thành phố; đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 3128/KH-UBND ngày 10-11-2023 của UBND tỉnh về phòng-chống hạn hán, thiếu nước tưới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước sông, suối và tại các công trình thủy lợi, thủy điện; việc xả nước của các hồ chứa thủy điện để điều tiết nước phù hợp theo phương án, kế hoạch sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường sử dụng giống ngắn ngày, chống hạn tốt… nhằm tránh hạn vào cuối vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện; phối hợp với các sở liên quan cùng các địa phương, đơn vị vận hành khai thác công trình thủy lợi, thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước về hạ du phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, xây dựng phương án cung ứng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và công tác phòng-chống hạn trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo hạn hán, thiếu nước tưới, hướng dẫn các biện pháp phòng-chống hạn hiệu quả. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn cho từng công trình, phù hợp với từng loại cây trồng; hướng dẫn người dân các địa phương sử dụng nước tiết kiệm…

Hệ thống kênh mương thủy lợi Ia Mlah ngày càng được kiên cố hóa và đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất của người dân. Ảnh: Q.T

Hệ thống kênh mương thủy lợi Ia Mlah ngày càng được kiên cố hóa và đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất của người dân. Ảnh: Q.T

Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ nhằm hướng đến vụ Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thông tin thêm: “Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng đã chủ động phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, vùng thường xuyên bị hạn sang các cây trồng phù hợp hoặc ngừng sản xuất. Đồng thời, cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nước; áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, cây trồng cạn; chuẩn bị sẵn sàng máy móc, nhiên liệu, phương tiện cần thiết để nếu xảy ra hạn thì tiến hành bơm, tát nước ở những nơi còn nguồn nước. Bên cạnh đó, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, sử dụng nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng trên một cánh đồng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả”.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Dựa trên tình hình thực tế, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 và triển khai cho các địa phương thực hiện ngay sau khi kết thúc vụ mùa 2023. Đồng thời, đề nghị các địa phương chấp hành nghiêm túc kế hoạch sản xuất và lịch tưới của đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới giữa cây cà phê, hồ tiêu với lúa nước, bắp và hoa màu. Đặc biệt, ở những nơi có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ, các địa phương, đơn vị tập trung vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi sang cây trồng khác có khả năng chịu hạn.

Có thể bạn quan tâm