(GLO)- Bên cạnh tập trung nguồn lực để phòng-chống dịch bệnh, việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tại các khu cách ly và cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng là nhiệm vụ cấp bách.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), các khu cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19 là nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất cao. Tại Việt Nam, các khu điều trị bệnh nhân và bệnh viện dã chiến cũng từng xảy ra cháy nhưng đã được dập tắt kịp thời. Hầu hết các vụ cháy đều xảy ra do sự cố hệ thống điện và chưa dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, các bình khí, đường dẫn oxy quá áp suất làm việc, hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện phục vụ sinh hoạt, điều trị quá tải dễ gây cháy nổ.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-cho hay: Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 30 khu cách ly tập trung và 5 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với hàng ngàn người. Đây là các cơ sở chủ yếu thay đổi công năng từ các trường học, trung tâm huấn luyện, các đơn vị quân đội, khách sạn. Đặc điểm chung của các cơ sở này là có diện tích rộng, bố trí nhiều giường bệnh, sử dụng nguồn điện nhiều, trữ lượng chất cháy lớn như: thiết bị y tế, bình oxy, máy trợ thở, hóa chất, phim X-quang, các chất oxy hóa, chăn, màn, quần áo và tư trang cá nhân.
“Khi xảy ra cháy, khói và khí độc lan tỏa mạnh, việc tổ chức thoát nạn cho bệnh nhân và người cách ly, cán bộ, nhân viên phục vụ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác đảm bảo PCCC và CNCH tại khu cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân Covid-19 phải được quan tâm đúng mức. Bên cạnh việc tập trung đảm bảo an toàn phòng-chống dịch bệnh cũng không thể chủ quan với các nguy cơ gây hỏa hoạn, vì nếu để xảy ra thì hậu quả sẽ khôn lường”-Thượng tá Hùng nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu cách ly Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ. Ảnh: Văn Tiệp |
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên kiểm tra, rà soát chặt chẽ công tác PCCC tại các điểm cách ly, khu điều trị. Trung úy Trương Đức Thành-cán bộ Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) thông tin: “Để đảm bảo công tác phòng dịch, chúng tôi thường xuyên phối hợp, liên lạc với lực lượng chức năng tại cơ sở kiểm tra các trang-thiết bị, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho người dân, bệnh nhân và nhân viên y tế. Qua kiểm tra cho thấy, các điểm cách ly và khu điều trị đều chú trọng công tác PCCC nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Bởi đây đa phần là các cơ sở được trưng dụng từ các công năng khác, trước tình hình dịch bệnh phức tạp không loại trừ khả năng quá tải. Bên cạnh đó, việc một bộ phận người dân trong các khu cách ly và điều trị có tâm lý chủ quan, thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn điện cũng dễ dẫn đến nguy cơ gây hỏa hoạn”.
Khu cách ly Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ hiện có 36 người đang thực hiện cách ly cùng 9 cán bộ, nhân viên. Ông Mai Văn Thân-cán bộ phụ trách khu cách ly-cho hay: “Khu cách ly được trang bị bình chữa cháy tại chỗ và bố trí nguồn nước, bơm sẵn sàng cho công tác cứu hộ. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra các hệ thống điện, bình chữa cháy và nhắc nhở người dân trong khu cách ly phải tuân thủ tuyệt đối nội quy an toàn PCCC khi sử dụng điện, lửa, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc”.
Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ các khu cách ly và điều trị. Cụ thể, đơn vị đề nghị các ban quản lý phải bố trí hệ thống điện đảm bảo an toàn theo quy định. Bố trí và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện, thiết bị điện dùng cho tiêu thụ và sinh hoạt của nhân viên, bệnh nhân đảm bảo an toàn; bố trí khu vực chứa, đường ống dẫn khí oxy, bình oxy tiêu chuẩn, quy chuẩn, có biển cảnh báo nguy hiểm cháy, nổ. Các cơ sở cần thành lập đội PCCC tại chỗ để xử lý khi có sự cố cháy, nổ. Đồng thời, xây dựng tình huống cháy giả định, thực tập PCCC và CNCH; phương án sơ tán bệnh nhân khi có cháy, nổ xảy ra; niêm yết biển chỉ dẫn các lối thoát nạn, thoát hiểm, vị trí phương tiện chữa cháy... để dễ dàng sử dụng chữa cháy và thoát hiểm.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng khuyến cáo: “Các nhân viên y tế phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện, thiết bị điện bảo đảm an toàn phòng-chống cháy nổ cũng như điều kiện đảm bảo an toàn khi tồn trữ, sử dụng máy thở, bình oxy. Hướng dẫn, bố trí bệnh nhân việc sử dụng điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt an toàn, nêu cao tinh thần cảnh giác. Ngoài ra, cần biết sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy được trang bị, tham gia học tập phương án chữa cháy và di chuyển nạn nhân khi có sự cố cháy, nổ”.
LÊ VĂN NGỌC