Kinh tế

Nông nghiệp

Chủ động phòng trừ rệp sáp trên cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai có đến 2.610 ha cà phê bị rệp sáp gây hại. Để bệnh rệp sáp không lây lan ra diện rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang cùng các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ.

Gia Lai có 100.609 ha cà phê, chủ yếu là giống cà phê Robusta. Thời điểm này, cây cà phê đang trong giai đoạn ra hoa, nuôi dưỡng quả non. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay, bệnh rệp sáp gây hại cây cà phê có xu hướng gia tăng.

Đang cắt tỉa những cành cà phê bị khô héo, bà Nguyễn Thị Huỳnh (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) cho hay: “Năm nay thời tiết thất thường, từ khi thu hoạch đến nay chưa có cơn mưa nào.

Vườn cà phê của gia đình tôi có khoảng 1 ha, một số cây bị rệp sáp gây hại, cành chết khoảng 10%. Hiện gia đình đang triển khai các biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế rệp sáp lây lan ra cả vườn”.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.P

Bà Nguyễn Thị Huỳnh (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.P

Bà Lê Thị Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 17 ha cà phê bị rệp sáp gây hại. Nguyên nhân do ban ngày trời nắng gián đoạn, nhiều mây, sáng sớm trời rét nên tạo môi trường thuận lợi cho rệp sáp bùng phát gây khô cành, bệnh rỉ sắt... trên cây cà phê.

“Trung tâm đã có văn bản gửi về các xã, thị trấn triển khai cho bà con nông dân cần theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo bà con sau khi phun các loại thuốc bảo vệ thực vật không được vứt vỏ chai, bao bì bừa bãi mà nên tập trung để tiêu hủy nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường”-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông tin.

Còn ông Lê Tấn Hùng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa thì cho rằng: Thời gian qua, nắng nóng kéo dài, đêm và sáng sớm trời se lạnh, trưa lại nắng khô hanh, tạo môi trường thuận lợi cho rệp sáp phát sinh gây hại chùm hoa, quả cà phê.

Qua giám sát sâu bệnh, chúng tôi đã phát hiện rệp sáp xuất hiện rải rác trên cây cà phê ở một số xã như: Kdang, Hnol, Tân Bình... Bệnh đang có xu hướng lây lan, gia tăng trong những ngày tới.

Thời tiết nắng nóng, bà con thường xuyên vệ sinh vườn cây cà phê nhằm hạn chế bệnh rệp sáp lây lan. Ảnh: H.P

Thời tiết nắng nóng, bà con thường xuyên vệ sinh vườn cây cà phê nhằm hạn chế bệnh rệp sáp lây lan. Ảnh: H.P

Đối với vườn có mật độ rệp sáp thấp có thể sử dụng các loại thuốc sinh học như: nhóm Abamectin, Azadirachtin, nấm tím (Paecilomyces), nấm trắng (Beauveria), nấm xanh (Metarhizium) để phòng trừ. Đối với vườn có mật độ rệp sáp cao nên sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Alpha-Cypermethrin, Dimethoate, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin... Các loại thuốc trên cần pha theo nồng độ hướng dẫn để phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ vào những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại.

Trao đổi với P.V về biện pháp phòng trừ bệnh rệp sáp, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Rệp sáp là đối tượng sinh vật gây hại phổ biến trên cây cà phê.

Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch, trong đó giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa. Chúng thường bám vào chồi non, cành lá, chùm quả, thân rễ để hút nhựa cây gây khô héo, rụng bông, rụng quả non.

Cây cà phê bị rệp sáp gây hại nặng thường xuất hiện lớp nấm muội đen bao phủ, làm giảm khả năng quang hợp khiến lá úa vàng, quả khô dần rồi rụng nhiều.

Rệp sáp gây hại làm tổn thương cuống quả tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây thối, rụng quả hàng loạt. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây.

Nhằm kịp thời phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, nông-lâm trường trồng cà phê cần hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp phòng trừ như: Thường xuyên vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh lây lan của rệp.

Thăm vườn cà phê thường xuyên để phát hiện sự xuất hiện, mật độ của rệp sáp, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Đối với trường hợp rệp mới xuất hiện gây hại cục bộ cần đánh dấu cây để phun thuốc trực tiếp vào các cây, cành bị nhiễm nhằm tránh lãng phí công sức, tiền bạc, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đối với vườn cà phê có mật độ rệp sáp cao, có nguy cơ lan rộng mới cần phun toàn bộ diện tích bị nhiễm. Khi tưới nước có thể kết hợp dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh vào cành, chùm hoa, quả có rệp sáp để làm rụng cánh hoa khô và bể lớp sáp, sau đó phun thuốc sẽ hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm