(GLO)- Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chư Păh đã có nhiều giải pháp quyết liệt giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,93% xuống còn dưới 6% vào cuối năm 2020.
Huyện Chư Păh có 109 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 41 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước như: “Chư Păh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chư Păh chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Công ty Thủy điện Ia Ly trao nhà tình thương cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Đ.Y |
Ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Giai đoạn 2015-2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững là 62,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương trên 58,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, huyện cũng đã huy động trên 128,2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để làm đường giao thông, xây dựng trường học, công trình thủy lợi, hội trường, nhà văn hóa, điện chiếu sáng và hoàn thiện hệ thống “một cửa”. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, cung cấp nhiều dịch vụ cần thiết cho các thành viên và nông dân. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, huyện còn huy động sự góp sức của các tổ chức, cá nhân trong công tác giảm nghèo. Toàn huyện có 151 doanh nghiệp, hợp tác xã và 1.162 hộ kinh doanh cá thể. Đây là nguồn lực quan trọng tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà ở...
Trước đây, gia đình ông Rơ Châm Bích nghèo nhất làng Kênh (xã Nghĩa Hòa). Nhà có 7 khẩu nhưng không có đất sản xuất, quanh năm phải đi làm thuê kiếm sống. Cách đây 3 năm, ông được chương trình giảm nghèo bền vững hỗ trợ 1 con bò cái làm giống. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, ông có 4 con bò. Ông Bích phấn khởi cho biết: “Mình cố gắng duy trì đàn bò để chúng đẻ thêm nhiều bò con, làm vốn xây dựng kinh tế gia đình. Bây giờ, mình đã đủ tiêu chí thu nhập để thoát nghèo rồi”.
Nhờ áp dụng các biện pháp tổng hợp đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững nên đến cuối năm 2019, toàn huyện chỉ còn 1.696 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,57% và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giảm xuống dưới 6%.
Theo Chủ tịch UBND huyện, thành quả đạt được trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thời gian qua là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là ý thức phấn đấu vươn lên của người dân. Huyện đã bám sát quan điểm, mục tiêu, giải pháp, xác định thực trạng để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020 là tiền đề, động lực để huyện xây dựng, triển khai chương trình hành động thực hiện mục tiêu trong 5 năm tới đạt kết quả tốt hơn.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách làm hay, hiệu quả; tích cực khai thác nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo để phát triển sản xuất và vận động các tổ chức, cá nhân nhận giúp đỡ hộ nghèo. Phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng xã hội về mục tiêu, ý nghĩa của việc giảm nghèo bền vững. Huy động toàn xã hội phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” và triển khai sâu rộng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” nhằm biến quyết tâm giảm nghèo của địa phương trở thành hiện thực”-Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.
ĐINH YẾN