Kinh tế

Doanh nghiệp

Chư Prông: Đất cũ, người xưa và hành trình đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thấm thoắt mà đã 40 mùa cao su trút lá, âm thầm như công lao của bao thế hệ cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Để đến bây giờ, nhìn lại chặng đường đã qua, họ luôn cảm thấy tự hào vì mình là một phần trong lịch sử hình thành và phát triển của cây cao su trên miền đất biên viễn này…

Hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho công nhân người dân tộc thiểu số.

1. Trở về khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc, những người lính trẻ quân phục còn vương mùi khói đạn từ các huyện Ý Yên, Bình Lục, Yên Khánh, Vụ Bản, Lý Nhân (tỉnh Hà Nam Ninh) lại khoác ba lô tiến quân lên vùng đất Chư Prông theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Hà Nam Ninh về việc đưa lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới (tháng 10-1976). Ngày ấy, cơ quan huyện Chư Prông còn đóng ở Thanh An. Đường đến “vùng đất hứa” là lối mòn ngợp giữa 2 bức tường cúc quỳ vàng rực. Lúc này, trên vùng biên viễn, ngoài dải đất bazan rộng lớn chỉ có đặc sản “ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương” và mênh mang một màu rừng hoang lạnh. Hơn 60 cán bộ và 3.600 con người bắt đầu xây dựng cuộc sống nơi đây khi sốt rét rừng hoành hành, hiểm họa từ bom đạn sót lại sau chiến tranh chực chờ, rồi FULRO quấy nhiễu…

Không những vậy, nông trường lúc đó thuộc tỉnh quản lý, nguồn kinh phí hạn hẹp, việc nuôi sống mấy ngàn con người đã khó, thì nghĩ gì đến việc nuôi cây. Vì vậy, nhiều người đã bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn và không ít người trong số đó đã chọn cho mình một con đường đi đơn giản nhất sau bao đêm trắng dằn vặt là… xin trở về quê lập nghiệp. Hơn 3.000 con người lúc đầu ra đi hăm hở thì chỉ vài năm sau quân số còn lại hơn 800 người. Sống giữa bốn bề rừng núi thâm u, với những người ở lại ngoài sức trẻ và lòng nhiệt huyết thì chuyện nắm bắt kỹ thuật trồng cây cao su cũng chỉ như bài học vỡ lòng. Mãi đến năm 1978, hơn 120 ha cao su đầu tiên mới bắt đầu bám rễ vào lòng đất.

 

Dây chuyền chế biến mủ cao su của Công ty.

Đầu đã xuôi, nhưng nhìn về tương lai thì cây cao su vẫn còn mịt mờ lắm, khi mà bài toán về nguồn kinh phí để nuôi dưỡng và mở rộng vườn cây vẫn phải theo kiểu “giật gấu vá vai”. Phải đến năm 1988, khi UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum thống nhất với lãnh đạo Tổng cục Cao su Việt Nam trình Hội đồng Bộ trưởng xét quyết định chuyển giao Công ty Cao su Chư Prông về Tổng cục Cao su Việt Nam quản lý thì tương lai của cây cao su trên vùng đất biên cương này mới sang trang mới. “Thiên thời, địa lợi…” đã đến, cộng với việc Công ty Cao su Chư Prông lúc bấy giờ có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo mà có lẽ không một đơn vị kinh tế nào ở Tây Nguyên có được, ấy là một đội ngũ trưởng thành từ gian khổ, trung thành tuyệt đối với con đường mình đã chọn. Trong đó, những người như: nguyên Giám đốc Nguyễn Cữu Tư, Phan Quốc Trực… rồi sau này là ông Phan Sĩ Bình (Tổng Giám đốc), Trần Văn Bính (Chủ tịch Hội đồng thành viên) là đại diện tiêu biểu trong hành trình vượt khó của Công ty.

2. Năm 1998 là thời điểm Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã đứng trên thế vững vàng. Con đường tiếp theo của Công ty là tiếp tục hồi sinh lại vườn cây cũ, phát triển thêm vườn cây mới và sắp xếp lại lực lượng lao động để dần đưa lực lượng lao động trẻ, có trình độ vào thay thế. Trong đó, Công ty đặc biệt quan tâm đến đời sống của lao động là người dân tộc thiểu số. Các chế độ đãi ngộ cho người lao động được xây dựng, công nhân không còn phải lo thiếu đói khi vào đội sản xuất đã khơi thông mạch nguồn sức mạnh để vượt qua khó khăn.

 

Tại Nhà máy Chế biến gỗ cao su.
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, tiền thân là Nông trường Quốc doanh Chư Prông, được thành lập năm 1976, trực thuộc Ban Kinh tế mới B Hà Nam Ninh và chính thức ra mắt vào ngày 3-2-1977, với nhiệm vụ trồng cây cao su trên địa bàn huyện Chư Prông. Đến ngày 23-1-1978, Nông trường Quốc doanh Chư Prông được bàn giao về Ty Nông nghiệp tỉnh và chính thức do tỉnh Gia Lai-Kon Tum quản lý. Năm 1984, UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum có quyết định đổi tên Nông trường thành Công ty Cao su Chư Prông và thành lập các Nông trường trực thuộc Công ty. Đến năm 1988, Công ty chính thức được chuyển giao về Tổng cục Cao su Việt Nam quản lý.

Trải qua những thăng trầm của thời cuộc, từ những dòng nhựa trắng đầu tiên thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, đến nay Công ty đã có 9.000 ha cao su được trồng ở trong nước, 3.500 ha cao su trên đất bạn Campuchia và 122,9 ha cà phê. Hệ thống tổ chức hiện có 7 nông trường, 3 xí nghiệp, 34 đội sản xuất với tổng số cán bộ, công nhân viên lên đến 2.668 người, trong đó hơn 45% là lao động người dân tộc thiểu số. Từ năm 2010 đến 2015, Công ty đã chế biến được 39.700 tấn mủ khô, xuất khẩu ra thị trường thế giới 16.000 tấn, chế biến gỗ phôi cao su đạt 27.500 m3, sản xuất phân vi sinh đạt 25.000 tấn, tổng doanh thu trong 5 năm qua đạt 2.580 tỷ đồng.

Với những gì đã làm được trên mảnh đất biên cương Chư Prông, những năm qua Công ty Cao su Chư Prông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất,  Huân chương Chiến công hạng nhì cùng nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen và cờ thi đua.  

Thấm thoắt vậy mà đã 40 mùa cao su trút lá, âm thầm như là công lao của bao thế hệ cán bộ, công nhân Công ty kết tinh nên. Đến bây giờ, những người thuộc thế hệ đi xây dựng kinh tế mới những năm 1976 của Công ty người còn, người mất, số khác cũng sắp sửa gác lại công việc nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo. Âu đó cũng là quy luật của tạo hóa. Thế nhưng, trong dòng chảy của thời gian, khi nhìn lại, chắc hẳn họ luôn cảm thấy tự hào vì những gì mình để lại. Đó là điểm tựa để Công ty Cao su Chư Prông vươn tới tương lai cao hơn và xa hơn.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm