Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông phát huy hiệu quả quỹ hội nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân (ND), Hội ND huyện Chư Prông đã triển khai nhiều mô hình, dự án thiết thực, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập.

Sau 2 năm tham gia Dự án chăn nuôi dê do Hội ND huyện triển khai, nguồn thu nhập của gia đình anh Rơ Lan Gur (làng Ó, xã Ia Vê) đã cải thiện đáng kể. Anh Gur chia sẻ: Trước đây, anh nuôi dê cỏ nhưng số lượng ít, lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Năm 2021, được Hội ND huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh để tham gia Dự án nuôi dê Boer lai sinh sản, anh đã mua 6 con dê cái, 1 con dê đực về nuôi. Đến nay, đàn dê phát triển lên gần 70 con, gia đình anh bán 30 con được hơn 70 triệu đồng. “Chăn nuôi dê có ưu điểm là nguồn thức ăn dễ kiếm, ít dịch bệnh và nhanh sinh sản. Ngoài ra, gia đình còn sử dụng phân dê để bón cho vườn cà phê, góp phần giảm chi phí sản xuất”-anh Gur cho hay.

Tương tự, anh Kpuih Kốt (làng Ó, xã Ia Vê) cũng rất phấn khởi sau 2 năm tham gia Dự án nuôi dê Boer lai sinh sản. Trước đó, gia đình anh nuôi 7 con dê Bách Thảo. Năm 2021, được hỗ trợ vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp từ Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh, anh mở rộng chuồng trại rồi mua thêm 6 con dê giống về nuôi. Sau 2 năm, đàn dê phát triển lên 46 con, gia đình anh bán 37 con được 85 triệu đồng. Hiện gia đình anh duy trì 9 con dê để tiếp tục gây đàn.

Nhờ tham gia Dự án nuôi dê Boer lai sinh sản mà gia đình anh Rơ Lan Gur (bên trái, làng Ó, xã Ia Vê) cải thiện được thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Nhờ tham gia Dự án nuôi dê Boer lai sinh sản mà gia đình anh Rơ Lan Gur (bên trái, làng Ó, xã Ia Vê) cải thiện được thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Ông Đinh Quang Tuyến-Chủ tịch Hội ND xã Ia Vê-cho biết: Trước đây, người dân trong xã chủ yếu nuôi dê cỏ, dê Bách Thảo nhưng hiệu quả thấp. Tháng 2-2021, được hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh, Hội ND xã triển khai Dự án nuôi dê Boer lai sinh sản với sự tham gia của 10 hộ dân. Mỗi hộ được vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp, tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi dê và hướng dẫn cách làm chuồng. Sau 2 năm triển khai, các hộ đã trả hết nợ và hầu hết đều có nguồn thu đáng kể, nhiều hộ còn gây đàn để làm vốn chăn nuôi về sau. Hiện có nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư nuôi dê Boer lai nhằm cải thiện cuộc sống.

Xã Ia Lâu cũng đã phát huy được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ ND các cấp, giúp người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Theo bà Hoàng Thị Vương-Chủ tịch Hội ND xã, vài năm trở lại đây, được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh và huyện, xã đã triển khai 3 mô hình gồm: trồng lúa Đài Thơm 8, trồng điều cao sản kinh doanh và chăn nuôi dê. “Đến nay, cả 3 mô hình đều đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, mô hình trồng lúa Đài Thơm 8 tại thôn Đài Bắc được triển khai từ năm 2019 cho năng suất ổn định 7-7,7 tấn/ha và bán giá cao 6.000-6.200 đồng/kg. Hiện mô hình này được nhiều hộ dân trong xã nhân rộng”-bà Vương cho hay.

Trao đổi với P.V, bà Siu HLer-Chủ tịch Hội ND huyện-thông tin: Từ năm 2017 đến nay, tranh thủ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ ND các cấp, Hội ND huyện đã triển khai 27 dự án sản xuất, chăn nuôi với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Theo đó, có 144 hội viên được hỗ trợ vốn, cây-con giống và kỹ thuật. Đến nay, hầu hết các dự án đều đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp hội viên ND thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất. Điển hình như các dự án: chăn nuôi bò sinh sản tại xã Ia Pia, trồng cà phê xen cây ăn quả tại xã Ia Phìn, chăn nuôi dê sinh sản tại xã Ia Vê, chăn nuôi heo rừng lai tại các xã: Ia Ga, Ia Kly, Ia Tôr.

“Bên cạnh quỹ hỗ trợ ND, Hội cũng tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước để triển khai các chương trình, dự án như: phối hợp với các ngân hàng ủy thác giúp hàng ngàn hội viên vay vốn ưu đãi; phối hợp với các phòng, ban của huyện, các xã tổ chức 172 lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống cho người dân tái canh 1.163 ha điều, cà phê, 125 tấn phân bón và 24 tấn lúa giống. Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ ND mua trả chậm 602 tấn phân bón vi sinh, xây dựng mô hình “Điểm sáng kinh tế vùng biên” tại 2 xã Ia Mơr, Ia Púch. Thời gian tới, Hội tiếp tục rà soát nhu cầu và tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên ND sản xuất hiệu quả nhằm tăng thu nhập”-Chủ tịch Hội ND huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm