Thời sự - Bình luận

Để nông hội thực sự phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo môi trường, điều kiện để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy tinh thần đoàn kết, tự chủ của người dân, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tiến tới hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 137 nông hội với tổng số 4.085 thành viên, trong đó có 1.611 thành viên là người dân tộc thiểu số. Trong 137 nông hội có 100 nông hội ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, 33 nông hội lĩnh vực chăn nuôi, 1 nông hội lĩnh vực lâm nghiệp, 1 nông hội lĩnh vực dịch vụ, 2 nông hội lĩnh vực nghề truyền thống. Các nông hội xây dựng quy chế hoạt động cụ thể dựa trên tinh thần tự nguyện của các hội viên, theo nguyên tắc “3 không”, “3 tự”, “3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của nông hội; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng) hoạt động dân chủ, bình đẳng, công khai; tuân thủ các quy định của pháp luật.

 Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới của người dân huyện Mang Yang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Thụy
Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới của người dân huyện Mang Yang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Thụy



Thông qua hoạt động, các thành viên nông hội được hỗ trợ tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay. Các nông hội còn phát huy tinh thần hợp tác và tiêu thụ nông sản của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức tập hợp Nhân dân, củng cố cơ sở chính trị của Đảng trong dân, khắc phục hành chính hóa trong hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là việc đổi mới nội dung hoạt động đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và người dân. Các kỳ sinh hoạt nông hội đã phát huy vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Những nội dung người dân bàn và quyết định trực tiếp được cấp ủy, chính quyền quan tâm... từng bước phát huy quyền làm chủ của người dân; dân chủ ở cơ sở được phát huy, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc phát triển mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Theo đó, sự hỗ trợ của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan cho hoạt động của nông hội ở một số địa phương có lúc chưa đồng bộ, chưa theo sát mục tiêu đề ra của nông hội. Một số nông hội chưa duy trì sinh hoạt thường xuyên theo quy chế đã đề ra. Hiện nay, trong số 137 nông hội có 64 nông hội thường xuyên duy trì sinh hoạt, hoạt động; 61 nông hội ít sinh hoạt; 12 nông hội không sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt chưa phong phú. Mối liên kết các thành viên trong một số nông hội còn chưa chặt chẽ. Việc liên kết của nông hội với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa nhiều, tính bền vững chưa cao. Đa số các nông hội được thành lập ở phạm vi, quy mô còn nhỏ nên việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, mở rộng thị trường còn hạn chế, khó khăn.

Để phát huy hiệu quả của mô hình nông hội nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển mô hình nông hội. Ủy ban nhân dân tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện tốt các chương trình phổ biến thông tin, kiến thức và hỗ trợ các nông hội về vốn vay ưu đãi, tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền các cấp thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nông hội sau khi thành lập; hỗ trợ tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông hội và các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, các địa phương cần duy trì, hỗ trợ phát triển bền vững những nông hội đã thành lập. Có giải pháp cụ thể để định hướng, nâng cao chất lượng hoạt động, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo rà soát các loại hình phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, các ngành nghề có thế mạnh của địa phương, nếu đủ điều kiện thì thành lập thêm nông hội mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, đảm bảo thực chất, hiệu quả, bền vững, tránh hình thức, chạy theo thành tích và phải mang lại lợi ích thực sự cho người dân. Quá trình xây dựng nông hội phải gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP, các mô hình phát triển kinh tế của các tổ chức chính trị-xã hội, cũng như công tác vận động đoàn viên, hội viên và nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

 

TỐNG THỚI MỐC

Có thể bạn quan tâm