Thời sự - Sự kiện

Chư Pưh kiên quyết ngăn chặn tình trạng vượt biên ra nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, một số người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Pưh vì nghe lời dụ dỗ, lừa phỉnh của kẻ xấu đã bán hết tài sản để vượt biên sang Campuchia, Thái Lan. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, phòng ngừa vượt biên; đồng thời quan tâm giúp đỡ những người vượt biên trở về sớm hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Đến tận bây giờ, khi nhớ lại chuyến vượt biên bất thành, chị Rmah HThai (làng Kênh Mek, xã Ia Le) vẫn chưa hết ân hận. Chị H'Thai kể: Đầu tháng 2-2023, chị kết nối Zalo, Facebook với một số đối tượng đang sống ở Thái Lan. Chúng hứa khi gia đình chị vượt biên qua Thái Lan sẽ được làm việc nhẹ, lương cao, cuộc sống giàu sang. Chỉ vì nghe lời kẻ xấu nên vợ chồng chị đã bán hết xe máy, lúa, mì, hồ tiêu chuyển 129 triệu đồng cho chúng để được dẫn qua Thái Lan. Nhưng chưa kịp vượt biên thì bị lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn đưa về địa phương.

“Giờ tôi hối hận lắm, chỉ ở nhà làm ăn, nuôi con, không nghe lời kẻ xấu vượt biên ra nước ngoài để rồi mất tiền, mất tài sản. Tôi mong bà con trong làng đừng nghe lời bọn xấu, ảnh hưởng đến gia đình và an ninh trật tự tại địa phương”-chị H'Thai chia sẻ.

Dù đã trở về địa phương từ lâu nhưng những tháng ngày khổ sở bên đất Campuchia vẫn còn ám ảnh anh Rmah Bí (làng Tung Đao, xã Ia Dreng). Năm 2015, anh bị một số đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vượt biên sang Campuchia để có cuộc sống sung sướng, không làm mà vẫn có ăn. Tin lời, anh Bí bán đất và vay thêm 16 triệu đồng đưa cho các đối tượng.

Tuy nhiên, vừa đến Campuchia, anh và những người cùng đi đã bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ đưa vào trại tị nạn. Sau gần 1 năm sống khổ sở nơi đất khách, anh Bí đã tìm đường trở lại Việt Nam.

Công an xã Ia Le đưa các đối tượng vượt biên (hàng đầu) ra giáo dục, kiểm điểm trước dân. Ảnh: Hà Chi

Công an xã Ia Le đưa các đối tượng vượt biên (hàng đầu) ra giáo dục, kiểm điểm trước dân. Ảnh: Hà Chi

“Cuộc sống ở bên đó khổ lắm, cơm ăn không no, nhiều người đau ốm không được điều trị. Sau khi hồi hương, mình được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, năm 2017, Nhà nước đã hỗ trợ gia đình mình 1 con bò sinh sản. Vợ chồng mình chí thú làm ăn. Hiện tại, gia đình mình đang tập trung chăm sóc hơn 800 cây cà phê, chăn nuôi bò, heo, thu nhập cũng ổn định. Mình mong bà con đừng nghe theo lời kẻ xấu lừa phỉnh, hãy ở nhà chăm lo làm ăn để gia đình có cuộc sống ấm no, con cái được đến trường học chữ”-anh Rmah Bí tâm sự.

Trước việc một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn bị dụ dỗ, lôi kéo vượt biên, cấp ủy, chính quyền xã Ia Le đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Đặc biệt, mới đây, Công an xã Ia Le đã đưa 6 đối tượng vượt biên ra kiểm điểm trước dân. Tại đây, cán bộ Công an xã đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn đen tối của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê ga” nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, phá hoại cuộc sống bình yên của dân làng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Xã Ia Le cũng phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại làng Kênh Săn và Kênh Mek. Tại buổi phát động, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng...

Đại úy Kpă Luân-Phó Trưởng Công an xã Ia Le-cho hay: “Sau khi được giáo dục, các đối tượng đã nhận ra việc làm của mình là sai trái và cam kết từ nay không vượt biên mà ở nhà làm ăn, phát triển kinh tế. Thời gian tới, Công an xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu, không vượt biên sang nước ngoài”.

Trao đổi với P.V, Thiếu tá Bùi Minh Tuấn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh-cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu giúp Huyện ủy, UBND huyện củng cố các tổ công tác; tăng cường xuống cơ sở bám làng tuyên truyền, vận động để quần chúng nhân dân nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động, từ đó không tin, không nghe kẻ xấu lôi kéo, kích động vượt biên. Đồng thời, tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Có thể bạn quan tâm