Chư Pưh: Phụ nữ nói không với vượt biên và "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Chư Pưh, Gia Lai đã thành lập và duy trì hiệu quả nhiều mô hình hay, góp phần gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn.
Nói không với vượt biên
Ia Le là một trong những xã có số lượng người vượt biên đông nhất nhì huyện Chư Pưh. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Le đã thành lập mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với vượt biên” tại làng Phung nhằm giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phòng-chống vượt biên; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; hoạt động của các loại tội phạm hai bên biên giới… Mô hình được ra mắt vào tháng 7-2017 với 13 thành viên và hiện tại đã tăng lên 16 thành viên.
 Một buổi sinh hoạt của các thành viên mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với vượt biên” làng Phung (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: H.T
Một buổi sinh hoạt của các thành viên mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với vượt biên” làng Phung (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: H.T
Bà Nguyễn Thị Cẩm Thạch-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Le-cho biết: Sở dĩ chúng tôi chọn chi hội Phụ nữ làng Phung để triển khai mô hình là bởi làng này được xem là “điểm sáng” của xã về việc nói không với vượt biên. Làng có 13 hộ với 67 khẩu, tất cả đều là hộ nghèo, nhưng từ trước đến nay chưa có người dân nào vượt biên.
Trong các buổi sinh hoạt, bên cạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban Chủ nhiệm mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với vượt biên” làng Phung còn vận động hội viên, phụ nữ tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và tích cực tuyên truyền không để người thân vi phạm pháp luật, tham gia biểu tình bạo loạn; kiên quyết đấu tranh tố giác tội phạm; nâng cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết. “Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm cũng mời các chị em từng vượt biên và đã quay trở về ở các làng lân cận cùng đến dự sinh hoạt để trực tiếp chia sẻ về những sai lầm mà bản thân mắc phải, về những khó khăn, cực khổ khi vượt biên. Thông qua người thật, việc thật, mọi người cũng đã hiểu rằng mình không nên nghe theo lời kẻ xấu xúi giục mà phải chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình”-chị Rmah H'Hiềm-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Phung, Chủ nhiệm mô hình-cho hay.
Chị Nay Hneng (làng Phung) chia sẻ: “Khi mô hình được thành lập, tôi và chị em trong làng rất ủng hộ. Nhờ mô hình, tôi hiểu biết luật pháp nhiều hơn, không sợ bị kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh gia đình, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động cho người thân, bạn bè ở các làng khác không vượt biên, phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
Đẩy lùi “tín dụng đen”
Tuyên truyền về vấn đề tín dụng đen đến hội viên phụ nữ bằng tờ rơi. Ảnh: Hồng Thi
Tuyên truyền về vấn đề tín dụng đen đến hội viên phụ nữ bằng tờ rơi. Ảnh: Hồng Thi


Bà Phạm Thị Thùy-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh: Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ trên toàn huyện đã thành lập được 1 mô hình “Phụ nữ nói không với vượt biên” và 4 CLB “Phụ nữ nói không với tín dụng đen”. Các mô hình này đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến tích cực nhận thức lẫn hành vi của hội viên, phụ nữ. Chị em cùng gia đình đã chăm lo làm ăn, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.


Cây hồ tiêu chết hàng loạt, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực khác đều bấp bênh khiến nhiều gia đình ở huyện Chư Pưh lâm vào cảnh nợ nần. Để xoay xở trong cuộc sống, không ít người đã phải vay nóng với lãi suất cao, vô hình trung tạo điều kiện cho “tín dụng đen” hoạt động mạnh, gây ra những hậu quả khôn lường. Điển hình là 2 trường hợp người dân làng Tao Chor (xã Ia Hrú). Hộ đầu tiên vay 60 triệu đồng, chưa được 1 năm, “lãi mẹ đẻ lãi con”, cộng chung cả gốc đã thành hơn 100 triệu đồng. Đến hạn không có tiền trả, chủ nợ đã đến xiết hết nhà cửa, ruộng vườn, gia đình không có chỗ ở phải xin trú tạm tại nhà văn hóa làng. Một hộ khác ban đầu chỉ vay 4 triệu đồng nhưng sau 3 năm, số nợ cả gốc lẫn lãi đã tăng lên hơn 60 triệu đồng. Hộ này phải chịu sự đe dọa của chủ nợ trong một thời gian dài.
Trước diễn biến phức tạp của “tín dụng đen”, tháng 8-2018, Hội LHPN huyện Chư Pưh đã cho ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ nói không với tín dụng đen” tại làng Đung (xã Ia Hrú) làm mô hình điểm trên toàn huyện. Câu lạc bộ gồm 30 thành viên, được thành lập trên cơ sở tự nguyện với mục đích tham gia sinh hoạt, gặp mặt để trao đổi kinh nghiệm, nghe tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề “tín dụng đen”; cách nhận biết “tín dụng đen” thông qua hình thức quảng cáo, thủ tục vay, lãi suất và hợp đồng cho vay; các biện pháp phòng ngừa; đồng thời tiếp cận các kênh chính thống để vay vốn. Các thành viên của CLB đều đăng ký cam kết nói không với “tín dụng đen”.
Bà Rmah H'Lat-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Hrú-thông tin: “Từ khi ra mắt đến nay, CLB hoạt động khá hiệu quả, tình trạng vay nóng với lãi suất cao của các hộ dân giảm đáng kể, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng chính thống khác ngày càng tăng. Do đó, trong tháng 6 và 7 vừa qua, Hội LHPN xã đã tiến hành nhân rộng mô hình tại 2 làng Luh Rưng, Tao Chor và dự kiến đến năm 2021 sẽ thành lập CLB này ở tất cả các làng đồng bào dân tộc thiểu số còn lại nhằm góp phần chung tay ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen” trên địa bàn xã nói riêng và huyện Chư Pưh nói chung”.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm