Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê chủ động phòng ngừa cúm gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Song song với công tác phòng-chống dịch tả heo châu Phi, huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch cúm trên đàn gia cầm trong thời điểm giao mùa nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, tại phường Yên Thế (TP. Pleiku) xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Ngay sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành lập biên bản, kiểm đếm và tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm 3.600 con bị bệnh. Tuy nhiên, thông tin về việc cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn tỉnh khiến nhiều hộ chăn nuôi rất lo lắng.
  Các hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm. Ảnh: Q.T
Các hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm. Ảnh: Q.T
Gia đình ông Lê Thanh Hoàng (thôn Mỹ Thạch 1, thị trấn Chư Sê) có gần 200 con gà và vịt vừa nuôi được hơn 2 tháng. Sau khi biết tin cúm gia cầm xuất hiện ở TP. Pleiku, gia đình ông đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch cúm trên đàn gà và vịt của mình. “Những ngày qua, tôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh bằng hóa chất Benkocid do chính quyền cấp. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên vệ sinh máng ăn, thay nước uống sạch cho gà, vịt cũng như tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm”-ông Hoàng chia sẻ.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phù hợp với điều kiện của địa phương như: thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) để trao đổi thông tin, báo cáo tình hình nhằm xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ việc giết mổ gia cầm, đảm bảo gia cầm đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh; xử lý các trường hợp giết mổ gia cầm trái phép.
Theo ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê: Toàn huyện có khoảng 201.000 con gia cầm (chủ yếu là gà và vịt) được người dân nuôi theo hình thức trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. Vào thời điểm giao mùa, dịch cúm gia cầm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống bệnh cúm gia cầm như: tập trung phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất tại các chợ, khu vực chăn nuôi, môi trường xung quanh... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương, chủ trang trại tiến hành phun tiêu độc khử trùng 2 đợt với gần 400 lít hóa chất Benkocid; đồng thời, tiến hành rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, các chợ đầu mối có nguy cơ xảy ra dịch cúm.
Người dân cần mua bán, sử dụng trứng gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Q.T
Người dân cần mua bán, sử dụng trứng gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Q.T
Đặc biệt, huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, lực lượng thú y cơ sở theo dõi sức khỏe của đàn gia cầm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; không sử dụng giống gia cầm không rõ nguồn gốc và gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; vận động người dân tự giác khai báo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh cúm nhằm giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh... Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm tự mua vôi bột, hóa chất duy trì thực hiện việc tiêu độc khử trùng theo định kỳ và theo phát động của địa phương.
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê đang chuyển sang đầu tư chăn nuôi gia cầm để hạn chế bớt rủi ro, đồng thời bù lại tổn thất từ chăn nuôi heo. Do đó, ngành chức năng địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm